Phụ nữ Thái làm du lịch cộng đồng
Cập nhật: 10/10/2017
Trong các chuyến du lịch lên Nghĩa Lộ, Mường Lò, Yên Bái, một trong những điều khiến du khách vô cùng thích thú chính là tour du lịch cộng đồng với phong cách độc đáo là giúp du khách tìm hiểu về ẩm thực nhà sàn. Du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn thơm ngon, lạ miệng, là sản vật của núi rừng, mà còn được chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc, qua những lời kể ngọt ngào, sâu lắng của những người phụ nữ Thái Mường Lò.

Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm với gia đình chị Chung ở xã Nghĩa Lợi.

Đến với Mường Lò, du khách không thể không đến với gia đình nhà chị Lường Thị Chung, ở bản Chao Hạ I, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, là gia đình có tiếng về làm du lịch cộng đồng với tour du lịch cộng đồng “Ẩm thực nhà sàn”. Chị Chung tâm sự: “Người dân tộc Tây Bắc vốn rất tài hoa trong việc chế biến thức ăn. Sản vật của núi rừng được bàn tay các sơn nữ thổi hồn bỗng thêm hương sắc. Du khách nước ngoài lại rất thích thú trước khi ăn được nghe kể về nguyên liệu, cách chế biến ra món ăn và cả “truyền thuyết” văn hóa trong từng món ăn”.

Nắm bắt thực tế nhu cầu của khách du lịch lên Tây Bắc là khám phá bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào vùng cao, gia đình chị Chung đã chú trọng việc giữ gìn và bảo tồn các bản sắc văn hóa dân tộc Thái, bài trí không gian gia đình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; đặc biệt là ẩm thực nhà sàn. Chị đã lên “thực đơn” chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc như: Pa pỉnh tộp, thịt trâu sấy, các món thịt nướng, rau rớn, rau ban, xôi ngũ sắc. Chị Chung đã tự mình giới thiệu cho khách du lịch về từng món ăn. Nào món xôi nếp ngũ sắc vốn dùng nguyên liệu là nếp ngon. Món này mà có nếp Tú Lệ (Văn Chấn, Yên Bái) để nấu thì tuyệt nhất.

Đồng bào dân tộc Thái ngâm gạo với nước ngâm các loại lá để có các màu xanh, đỏ, vàng... Đĩa xôi như mặt đất và bầu trời với ý nghĩa âm dương giao hòa, chuyên chở bao ước mơ, khát vọng. Món gà nướng bao giờ cũng là gà nhảy ổ, đấy là lúc gà béo nhất mà thịt lại mềm. Cách nướng cũng độc đáo, gà mổ sạch, ướp gừng, sả, lá thơm, hạt sẻn (mák khén - tiếng Thái) rồi nướng than. Bí quyết là khi nướng phải vừa xoay đều tay vừa quạt nhẹ, thỉnh thoảng dùng lông gà phết mỡ lên thân gà, có thế gà mới chín đều, vàng và thơm ngậy. "Đây là món được dùng để đãi khách quý và các bạn là khách quí của gia đình tôi hôm nay” - Chị Chung nói.

Các món rau cũng cũng được chị Chung giới thiệu không kém phần hấp dẫn. Rau cải nương ngọt dịu. Bẹ chuối rừng bùi bùi đậm đà. Rêu đá nấu canh hay trộn gia vị rồi nướng đều vô cùng hấp dẫn. Món hoa ban nấu canh hoặc xào đều ngọt ngào và thơm dịu. Rêu đá và hoa ban là hai món ăn truyền thống của người Thái được dùng trong lễ cưới, chuyên chở cả câu chuyện tình chung thủy và khát vọng ấm no, hạnh phúc của dân tộc Thái.  Khách Tây nào  cũng ồ lên tán thưởng, gật gật đầu “ok, ok”. ... Nhờ vậy, địa điểm du lịch của gia đình chị ngày càng thu hút nhiều khách du lịch. Hàng năm, gia đình chị Lường Thị  Chung đã đón trên 400 lượt khách du lịch trong và ngoài nước.

Ở bản Đêu II, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, mọi người biết đến gia đình chị Hoàng Thị Phượng là một trong những hộ đầu tiên làm du lịch cộng đồng. Chị Phượng cũng đã đầu tư cải tạo lại ngôi nhà sàn của mình. Không cầu kỳ đầu tư phòng nghỉ khép kín hiện đại như khách sạn, gia đình chị chỉ đầu tư mua chăn đệm, trải ngay xuống sàn nhà để khách nghỉ. Chị bảo, đi nhiều nơi, tham khảo nhiều cách làm du lịch trong và ngoài nước, anh chị cũng nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch là muốn được hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương.

Chị Phượng cho biết, mùa khách du lịch vào khoảng từ tháng 9 đến Tết Nguyên đán. Khách du lịch thích sinh hoạt cùng gia đình, thích tìm hiểu các nét văn hóa của dân tộc Thái. Chính vì vậy, khách du lịch sau khi khám phá về kiến trúc nhà sàn, làng bản, về nghề dệt truyền thống, đời sống lao động thường ngày, cuối ngày sẽ được thưởng thức các món ăn dân tộc cùng với gia đình. Một bữa cơm bình dị nhưng mỗi du khách sẽ cảm nhận được không khí ấm cúng, sự kết tinh những tinh hoa của núi rừng Tây Bắc và bàn tay tài hoa cùng tấm lòng rộng mở của người Tây Bắc giản dị, nồng hậu và hào hoa.

Chuyện những người phụ nữ Thái đứng ra làm du lịch cộng đồng đã không còn xa lạ ở Mường Lò nữa. Riêng xã Nghĩa Lợi có 13 phụ nữ ở bản Sà Rèn và Chao Hạ 1 đứng ra đăng ký thực hiện  theo dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới” với tổng kinh phí 260 triệu đồng. Các hộ nằm trong diện dự án là những hộ cơ bản còn giữ nguyên vẹn các bản sắc văn hóa trong đời sống sinh hoạt và kiến trúc của dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò, có kiến thức làm du lịch và mong muốn được làm du lịch.

Ngoài ra, nhà sàn của các hộ phải có diện tích sử dụng từ 70-150m2, có khuôn viên thoáng, rộng, có vườn cây ao cá, không gian trong lành để hỗ trợ đầu tư các hạng mục phụ trợ phục vụ cho du lịch. Các hộ tham gia dự án đã khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, nghề mây tre đan, chế tác nhạc cụ dân tộc; truyền dạy chế biến các món ăn ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái, để tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu khách du lịch.

Nắm bắt được “tiềm năng” của dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”, chị Điêu Thị Thái, ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi đã mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng tu sửa lại ngôi nhà sàn của gia đình theo đúng nguyên mẫu của ngôi nhà sàn truyền thống. Nhà có 3 gian, các họa tiết trang trí tinh xảo trên bậu cửa sổ, trên các tấm ván hình răng cưa làm chấn song cửa sổ, trên “khau cút” của nhà người Thái Đen.

Theo chị Điêu Thị Thái, nhà sàn của người Thái cổ có hai bếp lửa. Bếp lửa phía “tang quản” dành cho người già, bếp chính ở phía “tang chan” dành cho nữ giới và những công việc nội trợ. Đây cũng trở thành tiêu chí về vẻ đẹp của ngôi nhà sàn người Thái Mường Lò. Cùng với đó, gia đình chị đầu tư làm nhà tắm, công trình vệ sinh, đầu tư cơ sở vật chất như giường đệm để phục vụ khách du lịch.

Khó có thể nói hết được nếu bạn chưa đến với Mường Lò, được nghe những bài hát (khắp mơi lẩu - tiếng Thái), được ăn một bữa ăn đặc trưng của dân tộc Thái và hòa cùng những cung bậc vui tươi, trong trẻo của đàn tính nảy lên cùng tiếng rừng du dương huyền bí. Tất cả cộng hưởng, thăng hoa đem lại cho du khách những phút giây sảng khoái. Điều còn đọng lại ở mỗi du khách khi đến với Mường Lò là hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Thái “thắt đáy lưng ong” đảm đang, tự tin, sáng tạo trong cách làm du lịch cộng đồng, vừa làm giàu cho gia đình, quê hương, vừa gìn giữ những nét văn hóa truyền thống dân tộc Thái Mường Lò.

Nguyễn Nhật Thanh

bienphong.com.vn