Phố Phùng Hưng đổi diện mạo nhờ bích họa
Cập nhật: 17/11/2017
Không còn cảnh rác đổ bừa bãi, 4 khu vực vòm cầu số 56, 58, 59 và 74 trên phố Phùng Hưng đã trở thành địa điểm "check in" của giới trẻ nhờ những bức bích họa đầu tiên được hoàn thành.

15 bức bích họa còn lại cho dự án đoạn đường bích họa dài 200m đang còn tranh luận để chốt hạn khánh thành vào cuối tháng 11/2017.

Nghệ sĩ Hàn cán đích

Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” nằm trong kế hoạch 3 giai đoạn kiến tạo không gian văn hóa cho 127 vòm cầu cạn trên phố Phùng Hưng. 200m của dự án gồm 19 bức bích họa đặt tại 19 vòm cầu. Đến nay, 4 bích họa đầu tiên của các nghệ sĩ Hàn Quốc đã hoàn thiện. 15 bức bích họa còn lại (11 bức của họa sĩ Việt, 3 bức của họa sĩ Hàn và 1 bức do nghệ sĩ 2 nước cùng thực hiện) sẽ sớm được triển khai.

Nữ họa sĩ Hàn Quốc Oh Ye Seul có thể coi là người “cán đích” đầu tiên của dự án. Là nghệ sĩ nước ngoài, nhưng Oh Ye Seul lại thể hiện một bức tranh đặc trưng của mùa Thu Hà Nội, một gánh hàng hoa của những người phụ nữ đội nón lá, đi dép lê vẫn rong ruổi trên phố. “Ở Hàn Quốc, người ta gần như chỉ gặp các xe hàng, chứ không có những gánh hàng rong” - Oh Ye Seul chia sẻ.

Nữ họa sĩ Hàn Quốc Oh Ye Seul thực hiện các bức bích họa trên phố Phùng Hưng

Trong 7 bức tranh của họa sĩ Hàn Quốc, có một bức được các họa sĩ dày công chuẩn bị, đó là bức “Ghép tạo hình cầu Long Biên bằng dây điện” được đặt tại vòm cầu số 74. Ông Lee Kang Jun - Giám đốc mỹ thuật của dự án cho rằng, cách thực hiện tác phẩm còn thể hiện một Hà Nội đang phát triển, đang thay đổi, nhưng có hồn cốt rất riêng. Các bức họa còn lại của nghệ sĩ Hàn là hình ảnh phố cổ Hà Nội với xích lô, những chuyến tàu điện... tất cả gợi nhớ một Hà Nội thuở xưa dưới góc nhìn của người nước ngoài bằng ngôn ngữ hội họa.

Đến các đoạn thi công dự án trên phố Phùng Hưng những ngày này sẽ bắt gặp những giàn giáo được dựng lên để hỗ trợ họa sĩ thực hiện các bức họa, từ xử lý chống thấm, đến vẽ phác thảo và phủ màu tạo độ bền từ 5 - 10 năm. Dưới vỉa hè, những người công nhân áo xanh vội vã chở từng xe cát, đặt từng viên đá xanh, làm sạch phần vỉa hè lâu nay chỉ dùng để đỗ xe, đổ rác và bán hàng. “Dự án này giúp một con đường biến thành không gian nghệ thuật của Hà Nội” – họa sĩ Trần Hậu Yên Thế chia sẻ. Oh Ye Seul cũng cho rằng: “Những bích họa này khá phổ biến trên đường phố Hàn Quốc. Tại Hà Nội, hình thức ấy có thể còn mới. Nhưng tôi tin, so với cảnh bụi bặm và bừa bãi trước đây, mọi người sẽ thấy thú vị hơn nhiều khi ngắm những bức tranh trên vòm cầu”.

Cách nhìn họa sĩ Việt

Trần Hậu Yên Thế là một trong những họa sĩ Việt có tranh được chọn tham gia dự án. Tại vòm cầu số 71, anh sẽ thể hiện bức tranh về những đổi thay của ngôi nhà 63 trên phố Phùng Hưng. “Ngôi nhà 63 có kiến trúc rất đẹp - Một đại diện của nhà Tây ở Phùng Hưng. Ngôi nhà 2 tầng mang kiến trúc Pháp thuần khiết. Nhưng trải qua thời gian, bị mua bán qua lại, không có người chủ thật sự nên kiến trúc dần bị phá vỡ, vẻ xưa cũ gần như mất hẳn. Tôi chọn hình thức tranh xé để thể hiện ý tưởng biến đổi qua 2 lớp thời gian. Bức tranh này muốn gửi thông điệp gìn giữ di sản trong lòng từng người” – Trần Hậu Yên Thế chia sẻ.

Hình thức tranh xé của anh đang gây tranh cãi. Ghi chú vào bức bích họa của Trần Hậu Yên Thế, Phó Giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Quốc Chiêm yêu cầu không thể hiện hình thức tranh xé. Tuy nhiên, họa sĩ khẳng định, tranh xé là loại hình thể hiện khá phổ biến trên thế giới. “Nếu đứng trước lựa chọn phải chỉnh sửa hình thức thể hiện mới được tham gia dự án thì tôi sẽ xin rút khỏi dự án này” – Trần Hậu Yên Thế bày tỏ.

Trả lời phóng viên báo, ông Nguyễn Quốc Chiêm cho rằng, ông chưa đưa ra quan điểm cụ thể về từng bức tranh bởi dự án còn đang trong quá trình bàn bạc và hoàn thiện. Chiều 15/11, Sở VH-TT Hà Nội, đơn vị tư vấn và các thành viên Hội đồng nghệ thuật tiếp tục họp bàn bổ sung ý kiến để hoàn chỉnh cách thể hiện của 15 bích họa còn lại.

Tin, ảnh: Linh Anh

kinhtedothi.vn