Hơn 100 hiện vật tiêu biểu được lựa chọn từ nhiều cuộc khai quật khảo cổ học trong những năm gần đây được giới thiệu tại buổi trưng bày về chuyên đề "Sa Huỳnh - 100 năm phát hiện và nghiên cứu".
Trong số đó có nhiều hiện vật đáng chú ý như: công cụ, đồ trang sức, vũ khí bằng đá, xương động vật, thủy tinh, mã não, gốm, kể cả các công cụ bằng đồng thau. Đặc biệt là các hiện vật bằng gốm với nhiều hoa văn độc đáo, giàu tính thẩm mỹ.
Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa thuộc thời đại đồ sắt sớm, cách ngày nay khoảng 2500 đến 2000 năm, có nguồn gốc bản địa, với địa bàn phân bố rộng, tập trung chủ yếu ở miền Trung Việt Nam, có mối quan hệ giao lưu với các nền văn hóa đồng thời, nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Chiếc quan tài đầu tiên bằng gốm ở đầm muối Sa Huỳnh huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi đăng trong phần biên niên của tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp năm 1909 là dấu mốc mở đầu cho nền văn hoá Sa Huỳnh. Cho tới nay, đã có khoảng 80 di tích thuộc Văn hóa Sa Huỳnh đã được phát hiện, hàng chục địa điểm đã được nghiên cứu khai quật.
Mộ táng là đặc trưng điển hình về các mặt di tích của băn hóa Sa huỳnh với ba loại hình: mộ chum, mộ nồi chôn úp nhau và mộ đất. Bên cạnh đó là đồ tuỳ táng với các nhóm: đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt, đồ trang sức.
Trưng bày "Sa Huỳnh - 100 năm phát hiện và nghiên cứu" diễn ra từ ngày 8/7/2009, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và kéo dài trong nhiều tháng.