Sáng 19/12 tại Nam Định, UBND tỉnh Nam Định phối hợp với Tạp chí Du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức Hội thảo “Xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Nam Định”.
Tham dự Hội thảo có ông Trần Lê Đoài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Khúc Mạnh Kiên- Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Đức Xuyên – Tổng biên tập Tạp chí Du lịch.
Toàn cảnh Hội thảo.
Theo các chuyên gia du lịch, Nam Định là tỉnh đồng bằng ven biển nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú là yếu tố thuận lợi để phát triển ngành kinh tế du lịch với tốc độ nhanh, bền vững.
Thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011, thời gian qua tỉnh Nam Định đã tập trung triển khai công tác quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, định hướng phát triển các loại hình, các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế như: tham quan các cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, tham dự lễ hội truyền thống, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, thưởng thức văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian, thưởng thức văn hóa ẩm thực...
Đoàn khảo sát điểm đến du lịch đặc thù - Nam Định 2017.
Trong đó có nhiều sản phẩm du lịch được khai thác, mang tính đặc trưng, riêng có của địa phương như Hội chợ Viềng Xuân, Lễ hội đền Trần với nghi lễ khai ấn, Lễ hội phủ Dầy, du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy, làng nghề cây cảnh Vị Khê, đúc đồng Tống Xá và văn hóa ẩm thực với phở bò Nam Định, kẹo lạc Sìu Châu, gạo tám Hải Hậu... Các sản phẩm du lịch này đã được đông đảo du khách trong nước, quốc tế biết đến thông qua hoạt động tuyên truyền, quảng bá và những trải nghiệm thực tế trong các chuyến tham quan du lịch tại các khu, điểm du lịch của tỉnh thời gian qua.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế đã tham gia các đoàn famtrip, khảo sát các tuyến, điểm, các sản phẩm du lịch của tỉnh Nam Định để xây dựng các chương trình, tour chào bán cho du khách. Lượng khách du lịch đến với các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Nam Định trong thời kỳ từ năm 2000 đến nay vẫn duy trì mức tăng trưởng bình quân 10,6%/năm và năm 2017 ước đạt gần 2,3 triệu lượt.
Theo đa số ý kiến tại Hội thảo, dù có nhiều tiềm năng và phong phú về tài nguyên văn hóa, du lịch, tuy nhiên, thế mạnh lớn nhất của du lịch Nam Định vẫn là du lịch văn hóa, tâm linh. Các chuyên gia du lịch đều cho rằng, Nam Định cần lựa chọn đầu tư có trọng điểm vào loại hình du lịch văn hóa với các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng như du lịch tâm linh với điểm nhấn là các lễ hội như: Phủ Dầy, Đền Trần… và đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; du lịch làng nghề như nghề đúc đồng Tống Xá, trồng hoa cây cảnh Vị Xuyên….; du lịch ẩm thực như phở bò Nam Định, kẹo lạc Sìu Châu, bánh cuốn làng Kênh….
Để đẩy mạnh phát triển du lịch, Nam Định cần tăng cường quảng bá xúc tiến và liên kết với doanh nghiệp lữ hành và các địa phương xung quanh, đồng thời đầu tư về cơ sở hạ tầng, dịch vụ cũng như chất lượng nguồn nhân lực du lịch.