Người dân vùng cao Hà Giang đổi đời nhờ dịch vụ homestay
Cập nhật: 03/01/2018
Hoa Tam giác mạch dần trở thành thương hiệu riêng của tỉnh Hà Giang. Nhờ những bông hoa màu hồng mỏng manh mà khắp Cao nguyên đá bỗng bừng dậy một sức sống mới. Với khung cảnh hùng vĩ, những con đường ngoằn nghèo của Mã Pì Lèng (Mèo Vạc), Cực Bắc của Tổ quốc tại cột cờ Lũng Cũ (Đồng Văn)… Đó là những tiềm năng để Hà Giang phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Đặc biệt, việc phát triển du lịch cộng đồng với dịch vụ homestay là một thế mạnh mà Hà Giang đã và đang khai thác.

Những cánh đồng hoa Tam giác mạch là những điểm đến thu hút khách du lịch

Nắm bắt cơ hội để quảng bá du lịch địa phương và tạo một nơi ở lưu trú cho khách du lịch mà người dân 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn chủ động tu sửa, xây mới nhà làm dịch vụ lưu trú – homestay đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Nhu cầu và lượng khách du lịch lên Cao nguyên đá ngày một tăng,  ngay từ đầu năm 2015, gia đình anh Hoàng An – thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn đã quyết định đầu tư vốn cải tạo lại ngôi nhà sàn với hơn 12 giường làm dịch vụ lưu trú cho khách du lịch. Theo tính toán của anh An, ngoài phục vụ nhu cầu sinh hoạt là chỗ ngủ thì gia đình cũng đầu tư thêm nhà bếp để mỗi khi khách du lịch có nhu cầu muốn ăn tại nhà. “Để kinh doanh lâu dài anh phải đảm bảo các yếu tố về giá cả hợp lý, phục vụ tận tình, chu đáo, chỉ cần lượng khách đông vào những dịp cuối tuần”, anh An chia sẻ.

Cũng như gia đình anh Hoàng An, gia đình ông Hoàng Quốc Thân trước đây sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi đời sống gia đình rất khó khăn, nhưng từ ngày chuyển sang làm dịch vụ homestay cuộc sống của gia đình đã được cải thiện rất nhiều. Ông Thân phấn khởi chia sẻ: “Từ ngày vợ chồng chúng tôi đón khách du lịch về nhà, trung bình mỗi tháng có gần hai chục đoàn khách đến ăn, ở, sinh hoạt cùng gia đình, chi phí cho mỗi khách khoảng 80.000 – 90.000 đồng một ngày, mỗi tháng gia đình tôi có thêm gần chục triệu đồng”.

Nhận thấy việc làm dịch vụ homestay đem lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống của gia đình, ông Thân đã mạnh dạn vay vốn để để cải tạo, sửa sang lại nhà với kiến trúc trình tưởng cổ xưa kết hợp với nhà sàn bằng gỗ thông đá đỏ. Đến nay, homestay với tên Nhà Cổ của gia đình ông Thân đã trở nên quen thuộc thu hút nhiều du khách.

Mô hình homstay ở Chúng Pủa - Hà Giang (nguồn ảnh: internet)

Homestay là một mô hình kinh doanh còn khá mới mẻ tại Hà Giang. Để mô hình này có thể phát triển và tồn tại cần phải có nét đặc trưng riêng song song với đó là sự nhiệt huyết, luôn biết đến thị hiếu và nhu cầu của khách hàng.

Bạn Nguyễn Phương Lan, sinh viên trường Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Lần đầu tiên đến với Hà Giang đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, bản thân tôi rất thích thú khi được ngắm phong cảnh hùng vĩ của Cao nguyên đá và được nghỉ, trải nghiệm dịch vụ Homestay tại ngôi nhà cổ vài trăm năm tuổi của dân tộc HMông nơi đây. Tôi rất hài lòng với phong cách phục vụ, tình cảm chân thành, hiếu khách của người dân địa phương”.

Theo số liệu thống kê từ phòng Lao động & Thương binh xã hội huyện Đồng Văn trong 2 năm trở lại đây tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm khá rõ rệt. So với những năm trước đây tỉ lệ nghèo còn cao, tuy nhiên đến năm 2017 tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 57,75% hộ nghèo, giảm 7,32% so với kế hoạch đề ra.

Ông Phạm Đức Nam – Chánh văn phòng HĐND – UBND huyện Đồng Văn cho biết: Tỉ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 57,75% là do huyện chú đã trọng tới phát triển du lịch, khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân dọc theo trục đường quốc lộ cũng như các hộ quanh khu vực có địa danh nổi tiếng làm dịch vụ homestay. Dịch vụ này không những thu hút khách du lịch mà còn tăng thu nhập từ loại hình kinh doanh dịch vụ này. Từ đó tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đồng Văn giảm khá rõ rệt.

Hiện nay, lượng khách du lịch đến với Hà Giang này một tăng, theo đó mô hình dịch vụ lưu trú – homestay sẽ là một trong những điểm thu hút và sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp nhất trong lòng mỗi du khách khi đặt chân đến Cao nguyên đá Hà Giang.

Hoàng Cừ

moitruong.net.vn
Từ khóa:
Hà Giang, homestay,