“Hương sắc vùng cao” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Cập nhật: 04/01/2018
Nhân dịp đầu năm mới 2018, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giao Ban Quản lý Khu các làng dân tộc (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) tổ chức các hoạt động tháng 1 với chủ đề “Hương sắc vùng cao” từ ngày 1/1 đến 31/1.

Hoạt động nhằm giới thiệu không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp đầu xuân, với các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán giúp du khách thêm hiểu những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống đón Tết vui Xuân, đặc trưng các dân tộc; góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường giao lưu, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển.

“Hương sắc vùng cao” có sự tham gia của hơn 100 đồng bào các dân tộc: Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê và Khmer đến từ 10 địa phương: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Đắc Lắc, Sóc Trăng cùng sự tham gia của Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Hoạt động chuyên đề “Xuân trên bản làng em” là điểm nhấn trong tháng 1, với Chương trình “Ngày xuân vang mãi câu then” và giới thiệu trò chơi dân gian của dân tộc Tày. Với dân tộc Tày, then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Then có nghĩa là “thiên”, người Tày quan niệm khúc hát then là khúc hát thần tiên, là cầu nối tâm linh chở theo lời thỉnh cầu, mong ước của con người thấu tới tai thần thánh. Vì thế, mỗi dịp người Tày cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên, hay mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ… đều không thể vắng bóng những giai điệu then mượt mà. Chương trình giới thiệu: Hát Sli, hát lượn, đàn tính hát then; trò chơi dân gian: ném pao, đánh yến, nèm còn, đẩy gậy, đánh đu, leo dây, đi cầu kiều, rồng ấp trứng, nhảy sạp.

(Ảnh: BQL Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam).

Chương trình đặc biệt giới thiệu “Không gian thưởng trà truyền thống ngày Xuân” từ quy trình làm chè vô cùng tỉ mỉ với nhiều công đoạn đến dụng cụ pha trà, nước dùng để pha trà, cách pha trà cùng với sự khéo léo của các nghệ nhân pha trà.

Bên cạnh đó là hoạt động chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết tại các làng dân tộc đang hoạt động hàng ngày. Chào đón mùa xuân năm mới, đồng bào các dân tộc cùng nhau trang trí không gian nhà theo đúng phong tục ngày tết của dân tộc mình. Bên trong nhà bày trí mâm ngũ quả, cành đào, treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc; bên ngoài trang trí cổng, tiểu cảnh điểm nhấn để du khách chụp hình.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật trong tháng sẽ gồm: Chương trình “Vui xuân trẩy hội” của Nhà hát Chèo Việt Nam: Biểu diễn các tích chèo cổ, các làn điệu chèo ca ngợi quê hương đất nước, mùa xuân, năm mới; nghệ thuật hát Văn, một trong những loại hình trình diễn độc đáo trong Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 1/1/2016.

Chương trình nghệ thuật “Sắc xuân vùng cao” của sinh viên Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc ca ngợi truyền thống dân tộc anh em, quê hương đất nước; trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số như đánh quay, đánh yến, cà kheo, nhảy dây...

Chương trình Rối cạn “Đón mừng xuân mới” của Nhà hát Múa rối Việt Nam: Biểu diễn với nhiều hình thức qua những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ sĩ, kết hợp với âm nhạc, tạo hình con rối, tạo dáng những nhân vật rối để mỗi lứa tuổi cảm nhận một cách khác nhau nhưng cùng đạt được một hiệu quả thưởng thức: vui vẻ, sảng khoái, nhẹ nhàng.

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đ.N

nhandan.com.vn