Việc tổ chức chương trình Ngày hội văn hóa dân tộc Mông và Lễ hội hoa Đào tại huyện Mèo Vạc có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn, giáo dục và phát huy các giá trị văn hoá, làm phong phú thêm các hoạt động trong đời sống văn hoá tinh thần, tâm linh của nhân dân các dân tộc trên địa bàn vùng Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang.
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông trên Cao nguyên đá. Ảnh: TTXVN
Từ ngày 21/2 đến 22/2/2018 tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang sẽ diễn ra Ngày hội văn hóa dân tộc Mông và Lễ hội hoa Đào tại sân vận động huyện và tại thôn Thào Chứ Lủng, xã Tả Lủng.
Cụ thể ngày 21/2/1018 (thứ Tư, ngày 6 tết Mậu Tuất) sẽ diễn ra: Lễ hội Gầu Tào, trình diễn múa khèn tập thể, tung còn, thi dệt vải lanh, thi đập bóng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông. Ngày 22/2 (thứ 5 ngày 7 Tết Mậu Tuất), thi kéo co, đẩy gậy, địu nước… Khi đến dự lễ hội và tham quan du khách còn được trải nghiệm các trò chơi như: Dệt vải lanh, xay ngô, chơi cắt mía, hội vỗ mông, chụp ảnh trải nghiệm tại vườn hoa đào, trình diễn kỹ thuật chế tác khèn Mông và thi đan quẩy tấu, thưởng thức các món ăn ẩm thực…
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông và Lễ hội hoa Đào được huyện Mèo Vạc tổ chức với mục đích bảo tồn, khai thác, tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung và tính đặc thù văn hóa của dân tộc trên địa bàn huyện.
Việc tổ chức các lễ hội có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn, giáo dục và phát huy các giá trị văn hoá, làm phong phú thêm các hoạt động trong đời sống văn hoá tinh thần, tâm linh của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế, góp phần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư V (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch trên vùng công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang nói chung huyện Mèo Vạc nói riêng.
Lê Hoàn