Ngày 21/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), huyện Mê Linh, Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 1978 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và đón nhận chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Hai Bà Trưng.
Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, Chánh văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Văn Yên, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, cùng các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể, người dân huyện Mê Linh và du khách.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng hàng năm thu hút hàng triệu du khách đến chiêm bái, tham quan, học tập. Ngày 9/2/2018, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Hai Bà Trưng và chứng nhận Lễ hội đền Hai Bà Trưng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, niềm vui lớn của TP. Hà Nội nói chung, huyện Mê Linh nói riêng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh nguyện giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa để ngày càng lan tỏa sâu rộng nét đẹp của Lễ hội đền Hai Bà Trưng trong cộng đồng, xứng đáng với công lao to lớn của Hai Bà Trưng.
Cũng tại chương trình, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: "Hai Bà Trưng là anh hùng hào kiệt thế gian khó sánh, được nhân dân suy tôn thành Trưng Thánh Vương, là biểu tượng của khí phách hiên ngang, quật cường của truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta, và các tầng lớp nhân dân trong đó có phụ nữ Việt Nam. Kỷ niệm 1978 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm nay, chúng ta nhận thêm niềm vui mới khi Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Mê Linh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chúng ta vô cùng tự hào, biết ơn Hai Bà Trưng và thế hệ cha ông đã không tiếc xương máu cho nền độc lập dân tộc, góp phần xây dựng non sông gấm vóc Việt Nam trường tồn, giàu đẹp, văn minh".
Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức gồm nhiều phần theo nghi lễ nhà nước và địa phương như: dâng hương, rước kiệu và tế lễ. Bên cạnh đó là những hoạt động dân gian truyền thống, diễn xướng lại chiến tích oai dũng năm xưa của Hai Bà để tưởng nhớ cũng như tạo ra nét đặc sắc cho du khách tìm hiểu.
Theo ghi nhận của phóng viên, Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm nay có nhiều điểm mới. Các hoạt động dịch vụ được phân khu đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kinh doanh. Toàn bộ khu vực ngoại vi của đền Hai Bà Trưng phục vụ Lễ kỷ niệm và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian truyền thống. Chương trình nghệ thuật Lễ kỷ niệm 1978 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng được đổi mới nhưng vẫn đảm bảo kế thừa truyền thống lịch sử… Tất cả tạo không khí phấn khởi và sức hấp dẫn cho điểm đến đền thờ Hai Bà Trưng.
Ngay trong ngày khai hội, cùng với người dân địa phương, hàng nghìn du khách trong, ngoài nước đã về đây tụ hội, dâng hương tưởng nhớ công lao chống giặc giữ nước của Hai Bà Trưng./.