(TITC) - Chiều ngày 18/4/2018, tại trụ sở Tổng cục Du lịch, Chi hội PATA Việt Nam tổ chức Hội thảo cơ hội và thách thức cho ngành Du lịch trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).
Toàn cảnh buổi hội thảo
Hội thảo có sự hiện diện của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương; đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch; một số cơ sở đào tạo du lịch; các hội viên Chi hội PATA Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nhận định, CMCN 4.0 đã tạo ra sự thay đổi lớn trong ngành sản xuất và dịch vụ toàn cầu; du lịch là một ngành dịch vụ nằm trong tầm ảnh hưởng của làn sóng này. Cách du khách lựa chọn, đặt mua, trải nghiệm chuyến đi liên tục thay đổi, ngày càng thiên về định hướng giao dịch thương mại điện tử. Vì vậy tiếp thị kỹ thuật số trở thành thách thức lớn cho ngành du lịch, đặt ra yêu cầu có được những chiến lược thực sự phù hợp thu hút du khách.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu khai mạc hội thảo
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh, du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp vượt trội và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ứng dụng thành công công nghệ sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp. Phó Tổng cục trưởng hi vọng buổi hội thảo sẽ là cơ hội cho các đại biểu tham dự có được những kiến thức, định hướng phát triển mới hữu ích cho công tác quản lý, đào tạo hay kinh doanh của đơn vị.
Tại hội thảo, diễn giả Anya Diekmann - Viện trưởng Học viện Quản lý Môi trường và Phát triển Du lịch, Đại học Libre de Bruxelles (Vương quốc Bỉ) đã giới thiệu, chia sẻ về khái niệm CMCN 4.0 cũng như cách tiếp cận của du khách và doanh nghiệp; thông tin về các công cụ tìm kiếm nhanh cũng như cách vận hành, quảng bá thông qua các ứng dụng hiện đại để hoạt động kinh doanh du lịch trên mạng internet đạt được kết quả tốt nhất; chỉ ra nhiều thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao…
Diễn giả Anya Diekmann - Viện trưởng Học viện Quản lý Môi trường và Phát triển Du lịch, Đại học Libre de Bruxelles (Vương quốc Bỉ)
Bên cạnh đó, bà Anya Diekmann đưa ra quan điểm chất lượng yếu tố nguồn nhân lực là rất quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển hoạt động du lịch. Nguồn nhân lực chất lượng cùng sự phục vụ khách chu đáo sẽ đem lại những ấn tượng tốt với khách du lịch và góp phần tạo dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Vì vậy, ngành Du lịch cần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh CMCN 4.0.
Bà Anya Diekmann cũng cho biết, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc nắm bắt xu hướng của CMCN 4.0, trong đó có lĩnh vực du lịch. Việc đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng số hóa là hướng đi phù hợp, tạo ra nhiều cơ hội cạnh tranh hơn cho các doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa.
Tin, ảnh: Thu Thủy