Chương trình “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh dân gian Kim Hoàng” diễn ra từ ngày 15-17/6 tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Tại đây, công chúng sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động như: in tranh, vẽ tranh, vẽ mặt nạ truyền thống… cùng nghệ nhân làng nghề tranh dân gian Kim Hoàng và sinh viên, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Bên cạnh đó, các bản khắc, bản ảnh, tác phẩm tranh dân gian Kim Hoàng đã được phục dựng theo mẫu cổ… cũng sẽ được giới thiệu trong khuôn khổ chương trình.
Tranh dân gian Kim Hoàng (Hoài Đức,Hà Nội) hình thành vào nửa sau thế kỷ 18, phát triển mạnh trong thế kỷ 19. Đây là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Bắc Bộ.
Lối chữ thảo trên góc trái tạo nên điểm khác biệt cho dòng tranh này. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hoà, chặt chẽ cho tranh.
Tranh Kim Hoàng in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều, hoặc giấy vàng tàu nên còn được gọi là tranh Đỏ. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có một diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc.
Sau một thời gian dài bị mai một, từ khoảng năm 2015, dòng tranh dân gian Kim Hoàng bắt đầu được khôi phục lại./.