(TITC) - Từ ngày 27 - 30/12/2018, tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất năm 2018 tại thị xã Gia Nghĩa. Đây cũng là hoạt động hướng đến kỷ niệm 15 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 - 01/01/2019).
(Nguồn ảnh: internet)
Lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung; đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Nông trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Đây cũng là cơ hội để nghệ nhân các dân tộc thiểu số trong tỉnh và cả nước có dịp giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó và tự hào dân tộc.
Lễ khai mạc mang chủ đề “Thổ cẩm Việt hội tụ - tỏa sáng năm châu” sẽ được tổ chức vào lúc 20h00 ngày 27/12 với chương trình nghệ thuật đặc sắc tái hiện lịch sử hình thành, phát triển của các dân tộc Việt Nam, khẳng định bản sắc văn hóa thổ cẩm lâu đời. Lễ bế mạc sẽ diễn ra vào lúc 20h00 ngày 30/12 với chủ đề “Đắk Nông - Bình minh vẫy gọi”.
Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động hưởng ứng chào mừng cũng được tổ chức như: Chợ phiên; Lễ hội đường phố; Không gian văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam; Trình diễn thời trang thổ cẩm Việt Nam; Lễ hội khinh khí cầu quốc tế; Hội thảo về văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam …
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều có trang phục thổ cẩm truyền thống đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, màu sắc, đường nét. Đây là di sản văn hóa quý giá, biểu đạt quan niệm thế giới quan, nhân sinh quan, các giá trị về phong tục tập quán, kỹ thuật trang trí hoa văn… Đối với các dân tộc Tây Nguyên nói chung và các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng, dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng cần được bảo tồn và gìn giữ.
Lam Phương