TP. Hồ Chí Minh tìm cách phát triển du lịch đường sông
Cập nhật: 06/07/2018
TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn để phát triển du lịch đường sông nhưng thành phố vẫn chưa khai thác hết các sản phẩm này để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Đó là nhận định của các đại biểu tham dự hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại TP. Hồ Chí Minh” do trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh và Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng ngày 5/7.

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, muốn phát triển sản phẩm du lịch đường sông TP. Hồ Chí Minh cần có sự vào cuộc của các nhà quản lý và doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, TP. Hồ Chí Minh có lợi thế lớn là có 2 tuyến sông chính, gồm Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua, đã tạo nên mạng lưới các con sông nhỏ và kênh, rạch chằng chịt, tạo ra nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch cũng như xây dựng hệ thống giao thông thủy kết nối với các tỉnh lân cận. Nắm bắt được lợi thế này, nhiều tuyến du lịch đường thủy đã được đầu tư phát triển nhiều năm qua tại TP. Hồ Chí Minh, bao gồm khu vực nội đô có các tuyến trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé - Tàu Hủ cùng các tuyến dài hơn như đến các khu di tích, địa điểm du lịch sinh thái nhà vườn dọc sông Sài Gòn. Xa hơn là các tuyến đến các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang... Tuy nhiên, hầu hết các tuyến du lịch này vẫn chưa được khai thác hiệu quả, tương xứng với tiềm năng.

TS Mai Hà Phương, Giảng viên trường ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu khai thác du lịch đường sông từ hơn 20 năm nay và đang được các cấp lãnh đạo thành phố và ngành du lịch quan tâm đề ra các chủ trương, chính sách dành riêng cho sản phẩm này, đặc biệt từ cuối năm 2011 đến nay. “Thành phố đã có những sản phẩm du lịch trên 2 tuyến sông Sài Gòn - Cần Giờ và Sài Gòn - Củ Chi để hút khách. Tuy nhiên, du lịch đường sông vẫn phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Có rất nhiều nguyên nhân cản trở sự phát triển này như: môi trường sông rạch phần lớn bị ô nhiễm, cảnh quan đôi bờ còn đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn, tạo điểm nhấn thu hút khách; hệ thống bến tàu và trạm dừng chân còn quá ít; chưa có quy hoạch tổng thể giữa các ngành liên quan đến du lịch đường sông…

Đồng quan điểm với TS Mai Hà Phương, ông Tô Tấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn cho biết, nếu khai thác du lịch đường sông đúng và đủ, hằng năm sẽ có doanh thu hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên loại hình này vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, các tuyến điểm tham quan, vui chơi giải trí đường sông - đường bộ còn nghèo nàn ý tưởng, tình trạng ô nhiễm môi trường chưa khắc phục được....

Các sản phẩm du lịch đường sông thành phố chưa thu hút du khách bởi tình trạng ô nhiễm kênh rạch, sản phẩm đơn điệu... Ảnh: Đan Phương

Theo Sở du lịch TP. Hồ Chí Minh, dự tính, trong năm 2017 và 2018, số lượng khách du lịch đường thủy đến TP. Hồ Chí Minh ước đạt khoảng 450.000 lượt khách/năm; doanh thu du lịch đường thủy đạt 540 tỷ đồng/năm; phấn đấu tăng khoảng 15% trong những năm tiếp theo. Đối với khách quốc tế, con số hướng tới là khoảng 470.000 lượt (năm 2017 và 2018), tăng từ 12 - 15% trong những năm tiếp theo; doanh thu từ du lịch tàu biển phấn đấu đạt 1.220 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.

Sắp tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ có các nhóm các sản phẩm du lịch được khai thác như: du lịch tầm ngắn (các tour trên sông nội đô có bán kính dưới 10km) gồm: Tuyến du lịch thủy đi Bình Quới (Bình Thạnh); tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới như: Tuyến du lịch đi quận 7, với điểm đầu khởi hành từ bến Bạch Đằng (quận 1), điểm cuối là bến Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7); tuyến du lịch đi quận 5, 6 và 8. Để phát triển các tuyến đường sông mới này, TP. Hồ Chí Minh tiến hành đầu tư, xây dựng các sản phẩm dịch vụ đi kèm, đa dạng các loại phương tiện vận chuyển, xây dựng hệ thống thuyết minh tự động trên tuyến… Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy tầm trung hiện có (tuyến đi Củ Chi, Cần Giờ); phát triển du lịch đường biển (Cruise)…

Để phát triển sản phẩm du lịch đường sông, đại diện Sở GTVT, cho biết đến năm 2020, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung đầu tư một số tuyến đường thủy với điểm xuất phát từ Bến Bạch Đằng, Cầu Mống và Bến cảng Sài Gòn - Khánh Hội đi các khu vực quận 5, 6, 7, 8 cùng các huyện Củ Chi, Cần Giờ và các tỉnh lân cận. Để thuận lợi, trước mắt, Sở GTVT đang kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi trên sông Sài Gòn để nâng cao tĩnh không thông thuyền nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại trên tuyến sông này.

“Muốn đa dạng hoá sản phẩm du lịch đường sông, chủ trương của thành phố là phát triển loại hình du lịch này phải dựa theo đặc thù tài nguyên từng quận - huyện. Thành phố khuyến kích doanh nghiệp đầu tư khai thác các loại hình dịch vụ du lịch đường thuỷ kèm dịch vụ ăn uống giải trí về đêm, canô du ngoạn có kèm lưu trú, cho thuê thuyền nhỏ kèm hướng dẫn tham quan nội đô”, ông Tô Tấn Dũng cho biết thêm.

Hoàng Tuyết

baotintuc.vn