(TITC) - Sáng 14/9/2018, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra Tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch Duyên hải miền Trung” với sự tham gia của đại diện Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Khánh Hòa và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cùng các doanh nghiệp lữ hành và cơ quan thông tấn báo chí trong nước.
Các đại biểu tham dự tọa đàm
Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình khảo sát phát triển sản phẩm du lịch Duyên hải miền Trung diễn ra từ ngày 9 – 14/9/2018 do Tổng cục Du lịch tổ chức.
Toàn cảnh tọa đàm
Tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng khai thác, phát triển sản phẩm du lịch khu vực Duyên hải miền Trung; đề xuất giải pháp tăng cường liên kết giữa các đối tác công tư (chính quyền địa phương - doanh nghiệp) trong phát triển du lịch khu vực Duyên hải miền Trung. Từ đó kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu, khảo sát và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, kết nối các chương trình du lịch với khu vực Duyên hải miền Trung và đẩy mạnh đưa khách du lịch đến với khu vực Duyên hải miền Trung.
Đại diện Sở Du lịch Khánh Hòa phát biểu chào mừng
Tại buổi tọa đàm, đại diện Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã giới thiệu tiềm năng du lịch phong phú cũng như thực trạng phát triển du lịch của địa phương trong thời gian qua; đồng thời giải đáp những thắc mắc của các đại biểu xung quanh vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch mới, liên kết phát triển du lịch cũng như chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch của từng địa phương. Các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị truyền thông tham gia tọa đàm cũng đã đưa ra những ý kiến nhằm tìm ra các giải pháp đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy đưa khách du lịch đến với khu vực Duyên hải miền Trung.
Bà Phạm Lê Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) phát biểu tại tọa đàm
Kết luận buổi tọa đàm, bà Phạm Lê Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng, các tỉnh Duyên hải miền Trung cần mở rộng hợp tác với tất cả các doanh nghiệp nhằm khai thác nhiều thị trường khác nhau, tránh rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào một thị trường. Bên cạnh đó, các địa phương cần quản lý chặt chẽ và hiệu quả các điểm đến để tạo ra các sản phẩm chất lượng và bền vững; chú trọng đến công tác bảo vệ, tôn tạo tài nguyên; kêu gọi đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất ở các điểm du lịch; chuyên nghiệp hóa các dịch vụ du lịch tại các điểm đến; nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên; đảm bảo an toàn cho du khách khi trải nghiệm dịch vụ ở các điểm đến; đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa địa phương với toàn vùng Duyên hải miền Trung nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của khu vực…
Các doanh nghiệp thảo luận tại tọa đàm
Từ ngày 9 – 14/9/2018, đoàn công tác gồm đại diện Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cùng một số đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch; đại diện Bộ Tài chính, Kho bạc nhà nước, Văn phòng Chính phủ, hãng hàng không; đại diện các hãng lữ hành miền Bắc, miền Trung và miền Nam; đại diện các Sở Du lịch, Sở VHTTDL các tỉnh/thành: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; đại diện cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình và cơ quan liên quan đã khảo sát một số điểm đến thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận như: Trường Dục Thanh - Tháp cổ Poshanư, Mũi Né – Hòn Rơm, khu nghỉ dưỡng Sea Link City và Lâu đài rượu Vang RD, Bàu Trắng, biển Cổ Thạch, Bãi đá bảy màu, chùa Hang (Bình Thuận); làng gốm Bàu Trúc, bãi biển Cà Ná, Làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, Mũi Dinh, KDL Tanyoli, vườn nho Ba Mọi, tháp Pô Klong GaRai, vịnh Vĩnh Hy, vườn quốc gia Núi Chúa, hang Rái (Ninh Thuận); cụm du lịch sinh thái biển đảo Bình Hưng – Bình Ba – Bình Lập, KDL sinh thái hồ Kênh Hạ, di tích lịch sử mật khu Đá hang, Khu di tích Quốc gia tàu không số C235, bãi biển Dốc Lết (Khánh Hòa).
|
Bài: Lam Phương; ảnh: Vũ Trình