Sơn Dương (Tuyên Quang): Chú trọng khai thác tiềm năng du lịch
Cập nhật: 06/12/2018
Huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang từ lâu được biết đến là mảnh đất giàu tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Với việc tập trung khai thác những tiềm năng sẵn có, Sơn Dương đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Đoàn cán bộ, chiến sĩ công an tham quan tại Điểm di tích Nha Công an Trung ương ở xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. (Nguồn: tuyenquangtv.vn)

Nằm ở phía Nam của tỉnh Tuyên Quang, huyện Sơn Dương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch nhất là du lịch lịch sử, văn hoá và sinh thái. Toàn huyện hiện có 226 điểm di tích lịch sử, trong đó có 46 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, 82 di tích xếp hạng di tích cấp tỉnh. Nổi bật nhất là Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây từng là “Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ở, làm việc trong kháng chiến. Ngày 06/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2356/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025; Ngày 22/11/2017, Thủ tướng Chính phủ của phê duyệt  Quyết định 2073/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030. Quy hoạch đã định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Kết nối các điểm tham quan di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái của vùng trung du và miền núi phía Bắc… Ngoài ra, còn nhiều điểm du lịch văn hóa lịch sử đang thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu: Điểm di tích Nha Công an Trung ương ở xã Minh Thanh; Di tích Bình Ca ở xã Vĩnh Lợi… Bạn Tạ Quang Anh, sinh viên trường Đại học Công Đoàn (Hà Nội) chia sẻ: “Đến với Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào ở Sơn Dương, chúng em được tham quan các di tích lịch sử cách mạng, được hiểu thêm về công lao to lớn của các thế hệ cha ông đi trước từ đó mỗi người tự thấy cần cố gắng học tập, rèn luyện hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước”.

Bên cạnh thế mạnh du lịch lịch sử, văn hoá, điều kiện tự nhiên của Sơn Dương còn hội tụ nhiều tiềm năng lớn về phát triển du lịch sinh thái. Với hệ thực vật phong phú, nguồn nước dồi dào tạo nên những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như thác Đát xã Hợp Hoà, thác Đồng Bừa xã Đông Lợi, thác Đồng Đài xã Đông Thọ… Các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện ở Sơn Dương nhiều dấu tích cổ xưa như Di tích bãi đá cổ tại thôn Cao Đá, xã Sơn Nam, thôn Hữu Vu, xã Đại Phú, di chỉ cư trú của con người thời Hùng Vương tại thôn Phố Giò, xã Thiện Kế… Đặc biệt, với hàng chục lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo và các phong tục tập quán, những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Cao Lan, Dao, Sán Dìu, Mông… trên địa bàn cũng đã góp phần tạo nên những lợi thế riêng để thu hút khách du lịch về với Sơn Dương.

Tìm hiểu được biết, nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương, những năm gần đây, huyện Sơn Dương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, huyện Sơn Dương đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang thường xuyên tu bổ, tôn tạo các cụm, điểm di tích lịch sử trọng điểm như: Cụm di tích lịch sử Nà Lừa, cụm di tích lịch sử Chủ tịch Phủ, Thủ tướng Phủ, cụm di tích lịch sử Đồng Man - Lũng Tẩu, cụm di tích Làng Sảo… Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị lữ hành xây dựng, phát triển các tuyến, tua du lịch liên huyện, liên tỉnh. Huyện cũng đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, mây, giang đan cho người dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Kết quả đến nay du lịch Sơn Dương đã có những bước phát triển vững chắc với các sản phẩm du lịch tiêu biểu như du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng… Theo thống kê, năm 2017, du lịch Sơn Dương đã đón gần 800 nghìn lượt du khách, tổng doanh thu đạt 539,1 tỷ đồng. Mục tiêu của Sơn Dương trong năm 2018 là sẽ đón trên 715 nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế, trong 11 tháng đầu năm, đã có 763 nghìn lượt du khách đến với Sơn Dương, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 531 tỷ đồng. Hoạt động du lịch đã giúp tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng nghìn người dân địa phương.

Tuy nhiên, tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch của huyện hiện nay vẫn chưa được khai thác triệt để, chưa thực sự thu hút khách du lịch để tạo ra doanh thu cho huyện. Các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch phân bố rải rác, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Ngoài các điểm, cụm, khu di tích lịch sử đã được quy hoạch, những tiềm năng về du lịch sinh thái chưa được đầu tư, các sản phẩm, hàng lưu niệm của địa phương chưa phong phú…

Theo đồng chí Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương chia sẻ, để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các di sản lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện, thời gian tới cùng với việc thực hiện Quyết định số 2113/QĐ-TTg ngày 07/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai xây dựng dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào tỉnh Tuyên gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 trị giá 43,4 tỷ đồng, huyện Sơn Dương tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch kết hợp với triển khai đồng bộ các dự án phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích tại Tân Trào. Hiện nay, UBND huyện Sơn Dương đang thực hiện dự án xây dựng mô hình phát triển nông thôn dựa trên phát huy nguồn lực sẵn có của địa phương tại khu vực miền núi phía Nam tại xã Tân Trào, do Tổ chức NPO AVENUE/Nhật Bản tài trợ trị giá 2,1 tỷ đồng; dự án xây dựng hệ thống điện chiếu sáng xanh dùng năng lượng gió và mặt trời cho Khu di tích lịch sử quốc gia  đặc biệt Tân Trào, do Công ty IDEL và công ty ANJI TECHNO SOLUTION/Nhật Bản tài trợ trị giá 11,3 tỷ đồng; đang thu hút Tập đoàn FLC nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch dự án du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí và đô thị sinh thái Sơn Dương với diện tích 14.000 ha tại xã Minh Thanh, Tú Thịnh...

Cùng với đó, huyện cũng tiếp tục duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận, như: Địa điểm Văn phòng Hội đồng quốc phòng tối cao (năm 1949) tại xã Hợp Thành; Chùa Lang Đạo xã Tú Thịnh... các loại hình văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc; mở các lớp tập huấn cho cán bộ, nhân dân về dịch vụ du lịch, tham quan học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp phát triển hệ thống cơ sở lưu trú gắn với đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng. Qua đó tạo động lực đẩy nhanh sự phát triển của ngành du lịch, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương./.

ĐCSVN