Công bố biểu trưng du lịch Tuyên Quang
Cập nhật: 18/12/2018
Tuyên Quang đã chính thức công bố việc sử dụng các sản phẩm lưu niệm, logo (biểu trưng), khẩu hiệu du lịch tỉnh Tuyên Quang trong tất cả các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá du lịch và các hoạt động phát triển du lịch của tỉnh trong và ngoài nước.  

Lễ công bố và trao giải cuộc thi “Thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch và sáng tác biểu trưng, khẩu hiệu du lịch tỉnh Tuyên Quang” đã được tỉnh Tuyên Quang tổ chức chiều 17/12. 

Tại buổi Lễ, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, đã chính thức công bố việc sử dụng các sản phẩm lưu niệm, logo (biểu trưng), khẩu hiệu du lịch tỉnh Tuyên Quang trong tất cả các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá du lịch và các hoạt động phát triển du lịch của tỉnh trong và ngoài nước.

Theo đó, logo du lịch tỉnh Tuyên Quang được thiết kế với nét đặc trưng của vùng đất chiến khu xưa - "Thủ đô kháng chiến", với hình ảnh cây đa Tân Trào như một thông điệp gửi đến du khách trong và ngoài nước về một Tuyên Quang tuyệt đẹp, mộc mạc và giàu truyền thống lịch sử và  lòng mến khách. Logo du lịch của tỉnh truyền tải thông điệp: Tuyên Quang – Nơi vẻ đẹp hội tụ giữa cảnh sắc thiên nhiên và truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. 

Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao một giải nhất về khẩu hiệu cho tác giả Cao Thị Thanh Hương, Chi cục Thi hành án huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, với thông điệp “Tuyên Quang – Nơi vẻ đẹp hội tụ”; một giải nhất về logo cho tác giả Nguyễn Ngọc Huy Mẫn, quận Thanh Khê (Đà Nẵng).

Ban tổ chức cũng trao ba giải nhất về sản phẩm lưu niệm du lịch cho các tác giả Nguyễn Xuân Trường (thành phố Tuyên Quang) với sản phẩm “Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang bằng chất liệu đá tự nhiên; tác giả Ma Thị Liễu (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) với sản phẩm lưu niệm “Quả còn may mắn”; tác giả Nguyễn Văn Com (huyện Chiêm Hóa) với sản phẩm lưu niệm “Đàn tính tẩu”.

Tuyên Quang là Thủ đô kháng chiến, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, với gần 500 di tích lịch sử gắn với các địa danh tiêu biểu như: Lán Nà Nưa, Đình Tân Trào, Đình Hồng Thái, Cây Đa Tân Trào... Tuyên Quang cũng là tỉnh có nhiều dân tộc (22 dân tộc) cùng sinh sống. Phát triển du lịch được tỉnh Tuyên Quang chọn là một trong bốn lĩnh vực đột phá từ nay đến năm 2020.

Được biết, để phát triển du lịch, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh (du lịch lịch sử, văn hóa Tân Trào, lễ hội Thành Tuyên, lễ hội Động Tiên, lễ hội Lồng tồng); bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa, các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến ATK trên địa bàn tỉnh để phát huy giá trị khai thác phục vụ du lịch.

Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang đầu tư xây dựng các làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng như: Làng văn hóa - du lịch Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; làng văn hóa thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn; làng văn hóa thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang… Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang thực hiện đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tăng cường liên kết vùng để phát triển du lịch; chủ động đẩy mạnh liên kết và phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố, trong đó, chú trọng tập trung nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2019 sẽ thu hút trên 1,86 triệu lượt khách du lịch, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 1.700 tỷ đồng.

 
Báo Tin tức/TTXVN