(TITC) – Những ngày đầu xuân ấm áp năm Kỷ Hợi 2019, Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) nô nức đón từng đoàn khách hành hương, tham quan và trảy hội. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động chính của Tuần Văn hóa – Du lịch Bắc Giang 2019 – sự kiện lần đầu tiên được tổ chức ở tỉnh Bắc Giang.
Yên Tử thuộc dãy Đông Triều, dãy núi cao của vùng Đông Bắc, nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang. Theo sử sách, sườn Đông Yên Tử (Quảng Ninh) là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang) là con đường hoằng dương Phật pháp của Người. Tây Yên Tử là nơi phát tích và từng là Trung ương của Phật giáo thiền phái Trúc Lâm, cũng là nơi chứng kiến sự hưng thịnh của Phật giáo thế kỷ XI đến XIV.
Đường lên cõi Phật - Tác giả: Nguyễn Thành Sơn (Nguồn: Báo Bắc Giang)
Vùng đất linh thiêng miền Tây Yên Tử gắn với nhiều di tích nổi bật như Chùa Hạ, Chùa Thượng, Chùa Mã Yên, Chùa Hồ Bấc, Chùa Bình Long, Chùa Am Vãi… Đây đã trở thành điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là mỗi dịp tết đến xuân về. Với tiềm năng và sức hấp dẫn này, Tây Yên Tử đang được tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển theo hướng du lịch sinh thái – tâm linh, hướng đến phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử thuộc danh mục dự án ưu tiên và được khởi công từ năm 2016. Với tổng diện tích gần 14.000 ha, khu du lịch đang được triển khai xây dựng đồng bộ với 4 cụm chùa độc lập gồm: chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung và chùa Thượng (chùa Kim Quy) cùng hệ thống các công trình phụ trợ, phân khu chức năng như tuyến cáp treo, quảng trường trung tâm, khu tái hiện Hoàng thành, khu nghỉ dưỡng, các khu dịch vụ du lịch (trưng bày, triển lãm, hội nghị...).
Cáp treo Tây Yên Tử nối Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) với đỉnh Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), từ điểm cuối của tuyến cáp treo này, du khách đi bộ khoảng 700m là tới chùa Đồng – ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng bậc nhất Việt Nam. Đặc biệt, hệ thống cáp treo được hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 6/2 vừa qua (tức ngày mùng 2 tết nguyên đán) đã thu hút một lượng lớn du khách hành hương, tham quan và chiêm bái.
Theo thông tin từ Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), tính từ ngày 6-12/2/2019, trong số 150.000 du khách, tăng ni, phật tử đến với Yên Tử thì lượng khách đi theo hướng Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) đạt hơn 16.000 lượt. Con số này tương đương với lượng khách đến từ Tây Yên Tử trong cả mùa lễ hội năm ngoái.
Năm 2019 là năm thứ hai Lễ hội Tây Yên Tử diễn ra, đồng thời là năm đầu tiên tỉnh Bắc Giang tổ chức sự kiện Tuần Văn hóa – Du lịch. Theo ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang, dịp khai hội năm nay, giai đoạn 1 của dự án Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử sẽ khánh thành, gồm các hạng mục: Tuyến cáp treo số 1 từ ga chùa Hạ lên ga chùa Thượng có chiều dài 2,1 km; khu vực quảng trường trung tâm (cổng quảng trường với chức năng trưng bày, khu điều hành và sân ngắm cảnh; các vườn cảnh quan); nhà hàng ven suối; cầu cảnh quan sang chùa Hạ và một số hệ thống hạ tầng phụ trợ khác...
Theo định hướng, Bắc Giang sẽ phát triển tuyến du lịch Tây Yên Tử với sự kết hợp của nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái - du lịch tâm linh, xen kẽ là du lịch thể thao leo núi, du lịch nghỉ dưỡng… Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử được kỳ vọng sẽ là một điểm nhấn văn hóa tâm linh và sinh thái đầy ấn tượng đối với du khách khi có dịp hành hương về miền đất Tây Yên Tử.
Khánh Trang