Qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế được tổ chức, ngoài các tỉnh, thành trong nước, số lượng các thành phố quốc tế tham gia cũng ngày càng đông đảo đã cho thấy được sức hút của chương trình này.
Trình diễn dệt thổ cẩm tại Festival nghề thống Huế
Theo Ban Tổ chức Fesitval nghề truyền thống Huế, năm 2013 là năm đầu tiên chương trình được tổ chức với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt". Khác với các kỳ Festival trước đó chỉ tập trung giới thiệu từ hai đến ba nghề tiêu biểu, đến Festival nghề truyền thống Huế 2013 đã tôn vinh nhiều nghề hơn, trong đó tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Bên cạnh sự tham gia của các làng nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh, lần đầu tiên đã ghi nhận có sự góp mặt, tham dự của các thành phố quốc tế tại một kỳ Festival nghề truyền thống Huế.
Tại đây, lần đầu tiên trang phục truyền thống người dân vùng Saijo và ẩm thực Nhật Bản với trà đen Ishizuchi của thành phố Saijo tham gia trưng bày giới thiệu đến du khách có mặt ở TP Huế. Ngoài ra, Cộng hòa Pháp cũng tham gia trưng bày "Di sản trong quá trình biến chuyển", giới thiệu 5 kỹ thuật khéo léo và cải tiến mới trong ngành dệt may của Pháp.
Đến Festival nghề truyền thống Huế 2015, thành phố Gyeongju (Hàn Quốc) giới thiệu với lễ hội nghệ thuật làm tóc truyền thống và nghề gốm; thành phố Saijo (Nhật Bản) tiếp tục giới thiệu trang phục Kimono và nghề làm giấy truyền thống... Sự tham gia của các thành phố này đã góp phần đem đến những trải nghiệm mới cho du khách và người dân Huế.
Một góc trưng bày sản phẩm của làng nghề Saijo (Nhật Bản) tại Festival nghề truyền thống Huế 2017
Festival nghề truyền thống Huế 2017 đánh dấu sự tham gia đông đảo của các cơ sở nghề đến từ các đối tác, các thành phố quốc tế kết nghĩa với TP Huế. Phát huy thế mạnh và kết quả từ các kỳ Festival trước, Ban tổ chức đã bố trí riêng không gian tại Bảo tàng Văn hóa Huế để trưng bày, triển lãm các sản phẩm thủ công truyền thống của các thành phố quốc tế như: Quận Dongnae, thành phố Busan (Hàn Quốc), thành phố Saijo, thành phố Takayama, thành phố Shizuoka (Nhật Bản) và 2 doanh nghiệp nước ngoài là Công ty Thêu Shuei đến từ Nhật Bản và Công ty Lục Thuận Đại Tử Sa (thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc).
Đặc biệt, tại Festival 2017, ngoài hoạt động triển lãm các sản phẩm thủ công truyền thống, Hàn Quốc còn tổ chức hoạt động chiếu phim và giao lưu với đạo diễn, diễn viên tại Trung tâm Dịch vụ Du lịch Hương Giang (11 Lê Lợi, TP Huế).
Ban tổ chức Fesitval nghề truyền thống Huế thông tin thêm, tiếp nối thành công của các kỳ Festival trước, kỳ Festival năm 2019 sẽ có sự tham gia của một số thành phố quốc tế như thành phố Gyeongju, Hiệp hội thủ công mỹ nghệ truyền thống Hàn Quốc, thành phố Saijo (Nhật Bản)… Các thành phố này sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tinh xảo, độc đáo như sản phẩm nghề Yugi (đồ đồng Hàn Quốc), sản phẩm hàng gia dụng làm từ giấy Hanji (giấy Hàn Quốc), sản phẩm nhuộm tự nhiên, Hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc), nghề làm giấy truyền thống, gốm sứ, đồ thủ công gỗ của Nhật Bản.
Thông qua Festival nghề truyền thống Huế, mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các thành phố quốc tế kết nghĩa với Huế sẽ được tăng cường mở rộng góp phần giữ gìn và nâng cao vị thế của Cố đô Huế - Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố bền vững về môi trường, thành phố văn hóa, thành phố du lịch sạch ASEAN.