(TITC) - “Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch” là một trong những chủ đề được thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2 – 2019, diễn ra tại khách sạn JW Marriot Hà Nội vào sáng ngày 9/12/2019.
Chương trình do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Báo điện tử VnExpress tổ chức.
Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng); ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam; ông JeanMichel Caldagues, Phó Chủ tịch khu vực Tập đoàn Airbus; ông Stefano Bortali, Giám đốc điều hành Tập đoàn ATR; đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện các hãng hàng không trong nước, các nhà đầu tư và cơ quan thông tấn báo chí.
Ông Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Đức Tùng cho biết, Chính phủ đang rất quan tâm đến việc phát triển ngành hàng không, đặc biệt là vấn đề về đầu tư phát triển hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tháo gỡ các nút thắt để hỗ trợ cho phát triển du lịch. Chính phủ mong muốn tạo điều kiện cho tất cả các bên cùng tham gia đầu tư phát triển.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2015-2018 có tốc độ tăng trưởng rất cao từ 7,9 triệu lượt/năm 2015 tăng lên 15,5 triệu lượt/năm 2018. Trong 11 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đón được gần 16,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2018 và phục vụ 78,5 triệu lượt khách nội địa. Trong đó tỷ lệ khách quốc tế đến bằng đường hàng không chiếm hơn 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đối với ngành Hàng không Việt Nam, trong thời gian vừa qua cũng đạt tốc độ tăng trưởng đáng kể, góp phần quan trọng vào việc vận chuyển khách du lịch. Tuy nhiên để thúc đẩy phát triển du lịch hơn nữa ngành hàng không cần đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng một số sân bay quốc tế đang bị quá tải, cần mở thêm nhiều đường bay mới và các chuyến bay trực tiếp kết nối với các thị trường nguồn của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng tiến hành liên kết, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để kéo khách đến các điểm đến mới nhằm giảm áp lực cho các sân bay quốc tế lớn đang bị quá tải.
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn
Các đại biểu tham dự diễn đàn đều thống nhất đánh giá về cơ hội để phát triển ngành hàng không là rất lớn. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển. Hàng không Việt Nam sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới. Hiện tại, Việt Nam có 22 sân bay, trong đó có 11 sân bay nội địa và 11 sân bay quốc tế với sự tham gia của 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước khai thác gần 140 đường bay quốc tế đến 28 quốc gia/vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, một số nút thắt của hàng không hiện nay cần được nhìn nhận và tháo gỡ, đó là hợp tác công - tư gắn với các dự án lớn như xây dựng sân bay Long Thành, cải thiện các sân bay cũ, phát triển hạ tầng mới và nguồn nhân lực hàng không đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chính được các đại biểu chỉ ra đó là do hệ thống cơ chế chính sách pháp luật chưa đồng bộ, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc nên chưa thu hút được nhiều các doanh nghiệp tư nhân, các nhà đầu tư quốc tế tham gia đầu tư hạ tầng hàng không.
Ông Stefano Bortali, Giám đốc điều hành Tập đoàn ATR giới thiệu dòng máy bay ATR thân thiện với môi trường và phù hợp với các sân bay nhỏ ở Việt Nam
Những vấn đề này sẽ được tổng hợp và báo cáo tại phiên toàn thể diễn ra vào buổi chiều cùng ngày nhằm tập hợp thêm các ý kiến đề xuất giải pháp phát triển ngành hàng không, với mục tiêu tạo sự bứt phá cho hàng không Việt Nam, cải thiện năng lực cạnh tranh, thúc đẩy thực hiện sáng kiến xây dựng thị trường hàng không chung trong khu vực ASEAN hay còn gọi là “Bầu trời mở ASEAN” vào năm 2020.
Thế Phi