Vui Tết, đón Xuân tại Hà Nội
Cập nhật: 30/01/2020
Những ngày này, sắc xuân đang ngập tràn tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây là năm thứ hai Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mở cửa phục vụ khách tham quan trong dịp Tết Nguyên đán.

Du khách nước ngoài trải nghiệm trò chơi truyền thống trong chương trình Vui Xuân Canh Tý ngày 28-1 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (TP Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ

Với chủ đề “Xuân Canh Tý: Áo dài và hoa”, trong không gian văn hóa, nghệ thuật và trải nghiệm, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về quá trình phát triển của tà áo dài Việt Nam thông qua triển lãm “Việt Nam dáng vóc trường tồn”. Bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Lan Hương được phục dựng trên ý tưởng y phục đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Triển lãm giới thiệu các loại áo Giao lãnh, Ngũ thân, Tứ thân, áo dài Le Mur - Cát Tường, áo dài Hà Nội những năm 60, áo dài miền nam những năm 60 của thế kỷ trước… Ngoài ra, triển lãm giới thiệu sáu bộ áo dài nghệ thuật làm từ hoa của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng, mang tới một góc nhìn đầy cảm hứng và sáng tạo về tà áo dài Việt Nam. Điểm mới trong hoạt động phục vụ Tết năm nay tại bảo tàng là trải nghiệm những cảm xúc văn hóa - nghệ thuật ấn tượng và chân thực bằng kính thực tế ảo VR. Bằng công nghệ 4.0 trong thế giới ảo, những cô gái Huế với áo dài truyền thống dạo bước trong những danh thắng bậc nhất của Huế như Trường Lang của Đại Nội, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định hay trải nghiệm 10 bức tranh Tết dân gian Đông Hồ qua công nghệ VR, được hòa mình vào bối cảnh của từng bức tranh và nghe các chuyên gia văn hóa chia sẻ ý nghĩa và các giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi bức tranh…

Chương trình Tết là một trong những hoạt động hằng năm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Năm nay, trong hai ngày mồng 4, 5 Tết, tại bảo tàng diễn ra chương trình “Vui Xuân Canh Tý: Sắc thái văn hóa Thái Bình”, giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa Thái Bình qua các loại hình văn hóa nghệ thuật, dân ca, dân vũ đặc sắc. Những làn điệu chèo cổ ngọt ngào của nghệ nhân làng Khuốc; tiết mục trình nghề tứ dân giúp du khách tìm hiểu xã hội xưa với các thành phần nghề sĩ, nông, công, thương; trình diễn múa ông Đùng bà Đà gắn với sự tích bà Chúa Muối... Khách tham quan được trải nghiệm làm pháo đất, các em nhỏ được khám phá bức tranh làng quê qua các tích trò múa rối nước dí dỏm, sôi động. Bên cạnh đó, du khách sẽ giao lưu với nghệ nhân đến từ Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh thông qua các hoạt động gắn với dịp Tết như múa tứ linh, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ…

Tại không gian của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong những ngày Tết cổ truyền diễn ra nhiều tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc, dành cho cả người lớn và trẻ em. Ngày mồng 5 Tết sẽ diễn ra chương trình “Bát hội đầu xuân” tại quần thể chùa Khmer, chương trình giao lưu “Xuân vùng cao” của các dân tộc phía bắc… Ngoài ra, du khách sẽ trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc của đồng bào các dân tộc, chương trình dân ca, dân vũ, các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc, các trò chơi dân gian: ném còn, đi cà kheo, bập bênh…

Với nhiều chương trình Tết rộn ràng, hấp dẫn, người dân có nhiều sự lựa chọn cũng như có cơ hội khám phá, trải nghiệm thực tế những nét văn hóa truyền thống và nét đặc trưng của các vùng miền trong dịp Tết. Điều này góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết và ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua các thế hệ…


Nguyễn Ngọc

Báo Nhân Dân