“Ngành Du lịch khẩn trương hoàn thiện kế hoạch và giải pháp ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, phục hồi thị trường chứ không chờ hết dịch…”, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh tại buổi làm việc với TCDL ngày 11.2.
Khách du lịch quốc tế tại Hội An (Quảng Nam) - ảnh chụp ngày 10.2
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Lê Quang Tùng đã nghe TCDL báo cáo về Kế hoạch và giải pháp của ngành Du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra.
Thị trường Trung Quốc coi như bằng 0
Theo các chuyên gia Y tế Việt Nam, dịch bệnh có thể lên đến đỉnh điểm vào trung tuần tháng 2, dự kiến đến cuối tháng 2 sẽ nghiên cứu thành công vacine chống Covid-19. Như vậy, dự báo kịch bản của ngành Du lịch là: dịch bệnh sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 và các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch bắt đầu khởi động vào tháng 4. Nếu kịch bản này xảy ra thì ngành Du lịch có thể thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa (bắt đầu vào cao điểm từ cuối tháng 5). Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa du lịch hè mà khách du lịch nội địa sẽ chi nhiều nhất và đi du lịch nhiều nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch cũng có thể xúc tiến các hoạt động du lịch outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài) để bù đắp những tổn thất từ đầu năm.
Cũng theo dự báo, khách du lịch quốc tế có thể trở lại Việt Nam vào tháng 6 và để khách tăng trưởng trở lại vào mùa cao điểm (từ tháng 10.2020 đến tháng 4.2021) thì ngay trong thời gian từ tháng 4- 9.2020 ngành Du lịch cần phải có những biện pháp tăng cường công tác xúc tiến quảng bá trong nước và nước ngoài. Thông thường thì thị trường quốc tế mất nhiều thời gian hơn thị trường nội địa để khôi phục sau khủng hoảng. Ngoài ra, còn một kịch bản khác theo các chuyên gia y tế thế giới, Covid-19 có thể được đẩy lùi hoàn toàn sớm nhất là sau mùa hè năm 2020. Tức là các hoạt động du lịch có thể trở lại vào đầu quý IV.2020. Như vậy, hoạt động du lịch nội địa có thể hồi phục ngay mùa du lịch hè, các hoạt động xúc tiến thị trường này cũng gặp khó khăn nhưng thị trường quốc tế vẫn có thể triển khai xúc tiến theo phương án trên.
Từ thực tế có thể thấy, trong tháng 2-4 thị trường khách Trung Quốc coi như bằng 0, giảm 100%, mất đi khoảng 1,7-1,9 triệu lượt khách. Các thị trường khách quốc tế còn lại và thị trường nội địa cũng giảm khoảng 50-70%. Tâm lý bình thường của cả khách quốc tế và khách nội địa sẽ là phải đi qua đỉnh dịch hoặc tìm ra vacine chống dịch thì mới đi du lịch trở lại.
Giải pháp phải thực tế, thiết thực
Giải pháp đầu tiên để khôi phục hoạt động du lịch sau dịch là đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm, thị trường gần, có kết nối đường bay thuận tiện, đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN; kết nối thị trường mới Ấn Độ; tăng cường thị trường Mỹ. Trong số những thị trường hàng đầu của Việt Nam hiện nay, tính riêng 4 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã chiếm tới 65% tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam (đạt 1.285.000 lượt trên tổng số 2.000.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1.2020).
Trong nhiều cuộc họp về việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” của ngành Du lịch trước đây và ứng phó với Covid-19, các doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã nêu kiến nghị mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho những thị trường du lịch lớn, thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam như: Ấn Độ, Australia, New Zealand… và tiếp tục thực hiện việc cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu… Đến nay, khi ngành Du lịch đang gặp khó khăn, việc miễn thị thực đơn phương và miễn lệ phí thị thực cho khách quốc tế nếu thực hiện được sẽ là giải pháp tích cực giúp ngành vượt qua cơn sóng gió. Theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, ngành Du lịch phải đề xuất được những chính sách khả thi, hợp lý thuộc quyền của Thủ tướng, của HĐND các tỉnh/thành phố và xem xét việc giảm giá dịch vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu ngành Du lịch sớm hoàn thiện kế hoạch và giải pháp ứng phó với Covid-19, phục hồi thị trường chứ không chờ hết dịch. Trong đó, với nhóm giải pháp cấp bách thì những đề xuất chính sách về giảm miễn các loại thuế, các gói tín dụng, giãn nợ, giảm lãi suất, mở rộng chính sách miễn thị thực đơn phương và miễn giảm lệ phí visa cho khách quốc tế… cần phải thực tế, thiết thực và thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng. Xây dựng và triển khai ngay các gói kích cầu để thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch nội địa. Đồng thời, cần tăng thêm nguồn ngân sách cho công tác quảng bá xúc tiến du lịch ở cả trong và ngoài nước. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Đây sẽ là cơ hội để ngành Du lịch cơ cấu lại thị trường, đa dạng hoá thị trường khách quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào thị trường quá lớn. Đẩy mạnh kích cầu, tăng cường sự liên kết, đặc biệt là liên kết giữa hàng không và du lịch; liên kết giữa trung ương và địa phương; liên kết công- tư. Ngành Du lịch lúc này cần chủ động để nâng cấp chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…”.
Đối với các Bộ, ngành, địa phương cũng cần có những giải pháp duy trì hoạt động, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Ví dụ như ngành Hàng không cũng cần mở rộng sân bay, nhà ga, kết nối các đường bay mới đến các thị trường quốc tế trọng điểm; UBND các tỉnh/thành phố tăng cường quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ, không tăng giá vé tham quan, không để tình trạng “chặt chém” khách du lịch xảy ra sau dịch…
Đây sẽ là cơ hội để ngành Du lịch cơ cấu lại thị trường, đa dạng hoá thị trường khách quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào thị trường quá lớn. Đồng thời đẩy mạnh kích cầu, tăng cường sự liên kết, đặc biệt là liên kết giữa hàng không và du lịch; liên kết giữa trung ương và địa phương; liên kết công- tư. Ngành Du lịch lúc này cần chủ động để nâng cấp chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
(Bộ trưởng NGUYỄN NGỌC THIỆN)
|
Thuý Hà; Ảnh: Ngân Thương