Tái hiện sống động không gian văn hóa của Thăng Long xưa
Cập nhật: 06/10/2009
Chỉ còn 4 ngày nữa, Lễ công bố Năm du lịch Quốc gia (DLQG), một trong những sự kiện lớn nhất trong năm tại Hà Nội, sẽ diễn ra vào đúng ngày kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội và 55 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/2009). Lễ hội được tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, phố Lê Thạch, Lê Lai, khu vực Hồ Gươm với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống nhằm tái hiện lại không gian văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.


4 màn hội đậm chất Thăng Long

 

Phần hội tại Lễ công bố Năm DLQG mang tên “Duyên kỳ ngộ Thăng Long” gồm 5 chương: Thăng Long mở hội thái bình, Giai nhân Hà Thành, Tài tử bốn phương, Hát Trống Quân và Rước nàng về dinh, Ngàn năm Thăng Long. Kịch bản văn học do nhà văn Nguyễn Khắc Phục thực hiện, kịch bản chi tiết và phân cảnh do nhạc sỹ Trọng Đài chịu trách nhiệm.

                

Ở chương 1- “Thăng Long mở hội thái bình”  sẽ bắt đầu ngay sau khi phần Lễ kết thúc. Ở phần sẽ diễn ra trong khoảng 7 phút với ý tưởng tái hiện không khí Thăng Long đón trung thu đầy thân thiện. NS Quốc Chiêm trong trang phục quan viên cổ truyền sẽ ngâm vịnh lời tri ân để mở màn đêm khai hội. Dàn trống hội Thăng Long được bố trí trên thuyền rồng và hai khu vực dọc đường Lê Thạch và phía sau tượng đài Lý Thái Tổ sẽ đồng loạt vang lên, lôi kéo người xem hướng về phía sân khấu chính. Cùng lúc ấy, các liền anh, liền chị quan họ sẽ thể hiện tiết mục quan họ cổ “Ngồi tựa song đào”, “Ngồi tựa mạn thuyền”…

 

Phần 2 – “Giai nhân Hà Thành” ca ngợi vẻ đẹp duyên dáng, mộc mạc của giai nhân Hà Thành. Ở phần này, công chúng sẽ được nghe tiếng rao loa ở phía trên cổng thành, hình thức truyền tin của xã hội xưa. Một lễ hội trăng rằm phố cổ sẽ được tái hiện lại với những gánh hàng rong bán cốm lá sen, viết chữ nho, bán tranh dân gian, trẻ con rước đèn, cưới ngựa dạo phố, bày cỗ... Trong không gian gợi nhớ sự hoài niệm ấy là hình ảnh những cô gái Hà Thành mặc trang phục truyền thống dạo phố, thưởng nguyệt… Phần này sẽ được thể hiện trong 15 phút.

 

Phần 3 - “Tài tử bốn phương” là hình ảnh của thanh niên Việt Nam tài hoa, mạnh mẽ thể hiện tinh thần, tinh thần thượng võ của người Việt Nam. Các tràng trai bốn phương sẽ hội tụ và trổ tài. Cuộc thi bắt đầu bằng màn trình diễn xiếc, võ thuật đặc trưng các vùng miền cho đến những thú chơi cây cảnh, các trò chơi dân gian…

 

Phần trình diễn cuối cùng là màn múa hát trống quân giữa giai nhân Hà Thành và tài tử bốn phương. Đây là lối hát giao duyên cổ truyền Bắc Bộ giữa hai bên trai gái thường được tổ chức vào những dịp hội hè. Cặp tài tử phương Nam và giai nhân Hà Thành đẹp nhất sẽ được chọn để thể hiện màn đón rước bằng thuyền rồng với những sính vật đặc biệt là hoa trái, món ăn của phương Nam.

 

4 màn hội trình diễn trên sân khấu sẽ mang đến một không gian sống động về những nét sinh hoạt văn hóa của người Hà Nội xưa và nay. Nét đẹp đó được gìn giữ từ bao đời nay đã làm nết cốt cách, tinh thần của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung.

 

Tái hiện nhiều không gian văn hóa truyền thống

 

Theo kịch bản của BTC, sẽ có 4 khu vực xung quanh tượng đài Lý Thái Tổ được thiết kế lại nhằm tái hiện không gian của kinh thành Thăng Long. Ngay tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ là hình ảnh bức tường thành cổ được dựng lên, cổng thành quay mặt ra phía đường Đinh Tiên Hoàng và Hồ Gươm. Trên mặt cổng thành, sẽ có 8 - 9 lính canh đi lại canh gác, đánh trống điểm và rao loa.

 

Một không gian văn hóa với những hình thức sinh hoạt sẽ được tái hiện tại điểm này. Hai bên cổng thành chính có người nặn tò he, vẽ tranh chân dung, thư pháp cổ. Trên mặt đường Đinh Tiên Hoàng là đội múa lân, ông phỗng, đi cà kheo… Sẽ có những quán trà cổ của Thăng Long xưa được thiết kế và dựng lại. Được biết, tất cả diễn viên, nghệ sỹ, nhân viên bảo vệ, hướng dẫn viên… đều mặc trang phục theo lối cổ truyền Thăng Long. Công chúng có thể nhìn thấy hình ảnh kẻ sỹ Thăng Long đi lại, người cắp ô, người ngồi cáng, trai gái Hà Thành thanh lịch và quan lại ngày xưa.

                    

Trên trục đường Lê Lai (phía bên trái sân khấu, nhìn từ đường Đinh Tiên Hoàng) dường như biến thành một triển lãm ngoài trời dành cho tranh Hàng Trống, Đông Hồ, tranh dân gian Hà Tây, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng mã, đồ chơi, thư pháp… Các nghệ sỹ sẽ trong vai người bán hàng, nghệ nhân, hướng dẫn viên và cả dân chúng Thăng Long… Đến với không gian trưng bày này, công chúng có thể mua tại chỗ một bức tranh mà mình yêu thích.

 

Khu vực phía sau tượng đài Lý Thái Tổ sẽ là nơi các làng nghề Thăng Long - Hà Nội. Đó là khu trưng bày gốm sứ, đó là hoạt động vẽ tranh, dệt vải, làm hàng mã, đó còn là những đặc sản truyền thống của các gia đình làm chè sen, bánh cốm, mứt... Trong không gian sinh hoạt của Hà Nội 36 phố phường này không thể thiếu những quán hát Xẩm, trống quân, nét sinh hoạt dân dã nơi Kẻ chợ xưa.

                 

Những sản phẩm, nét sinh hoạt văn hóa của người Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20 cũng sẽ được diễn ra tập trung tại khu riêng, đó là trên trục đường Lê Thạch. Tại khu vực này sẽ treo những bức ảnh phóng to liên quan đến Thăng Long - Hà Nội từ xưa, bên cạnh đó là trưng bày mô hình các phương tiện giao thông Thăng Long - Hà Nội xưa cho đến năm 1945 như xe ngựa, kiệu cáng, thuyền, xe hơi, xe máy cổ, các loại xe đạp... Các “rạp” chiếu bóng lưu động, những nhóm chèo, cải lương trình diễn trích đoạn theo phong cách những năm 20 - 30 của thế kỷ 20 cũng được tái hiện lại…

 

Lễ công bố Năm DLQG mở đầu cho rất nhiều sự kiện phát triển, quảng bá du lịch của Thủ đô trong thời gian tới. Đây được đánh giá là sự kiện du lịch lớn nhất của nước ta trong năm 2010, được tổ chức xuyên suốt cả năm với sự hưởng ứng của nhiều tỉnh thành trong cả nước. Lễ công bố Năm DLQG tổ chức từ ngày 9 - 11/10/2009 sẽ là bước đầu giới thiệu cho công chúng trong và người nước những nét văn hóa đặc sắc, những sản phẩm du lịch tiêu biểu của Hà Nội.

 

Bên cạnh Lễ công bố Năm du lịch Quốc gia, từ nay cho đến năm 2010 sẽ có các hoạt động phát triển, quảng bá du lịch:

- Đầu tư, nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm du lịch diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12/2009

- Phát động phong trào “Người Hà Nội đón bạn đến thăm nhà”

- “Năm du lịch xanh” tại Hà Nội trong hai năm 2009 - 2010;

- Liên hoan ẩm thực Hà Thành (từ 3 - 9/10/2010);

- Tổ chức cuộc thi hướng dẫn viên du lịch giỏi Hà Nội  diễn ra từ tháng 4 đến tháng 7/2010 dự kiến tại Việt Phủ thành Chương (Sóc Sơn, Hà Nội)

-  Lễ hội áo dài ba Miền Việt Nam vào tháng 5/2010

- Gắn biển các cơ sở dịch vụ du lịch đạt chuẩn chào mừng kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội

- Tổng kết Năm DLQG vào ngày 31/12/2010 tại Nhà hát Lớn Hà Nội…

Báo Hà Nội Mới