Trong 90 năm tồn tại và phát triển, Grand Saigon đã trở thành một trong những thương hiệu khách sạn cổ nhất, "độc" nhất ở TP HCM
Thời gian qua, du lịch là ngành đang phải chống chọi với hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo dự báo, khi dịch bệnh đi qua, ngành du lịch sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại nhờ vào kinh nghiệm của những đợt dịch bệnh từng xảy ra trong quá khứ. Và trên hết, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội hồi phục, nhất là với những thương hiệu đã có truyền thống lâu đời ở TP HCM. Khách sạn Grand Saigon cũng đang nỗ lực từng ngày với thương hiệu 90 năm của mình.
Lợi thế không phải ai cũng có
Grand Saigon là khách sạn trực thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), một trong những khách sạn cổ nhất ở TP HCM được xây dựng từ năm 1930 - nằm ngay khu trung tâm TP và gần sông Sài Gòn.
Ông Trương Đức Hùng, Giám đốc khách sạn Grand Saigon, chia sẻ là một trong những khách sạn 5 sao hàng đầu ở TP HCM, Grand Saigon nổi bật với nét kiến trúc Pháp cổ điển cùng các đồ nội thất cao cấp được giữ nguyên từ những năm 1930. Sau thời gian dài hoạt động, khách sạn tiếp tục mở rộng thêm một khu mới với nét kiến trúc sang trọng, tạo thành một tổng thể hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Với vị trí đắc địa nằm ngay trung tâm TP, bên cạnh sông Sài Gòn lịch sử, khách sạn chỉ cách Nhà hát Thành phố và phố đi bộ Nguyễn Huệ một quãng ngắn, trong vòng 10 phút lái xe còn có thể đến nhiều điểm tham quan nổi tiếng như chợ Bến Thành, Bảo tàng Mỹ thuật và Hội trường Thống Nhất. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng chỉ cách khách sạn khoảng 30 phút lái xe…
Khách sạn Grand Saigon được xây dựng từ năm 1930, nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm TP HCM. Ảnh: Mai Anh
Gần đây, dưới tác động của dịch Covid-19, theo yêu cầu ứng phó phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và UBND TP HCM, Grand Saigon đã thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, Grand Saigon hiểu rằng việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sẽ mang lại những lợi ích không chỉ cho khách sạn mà còn cho cả đất nước. Khách nội địa và khách quốc tế thưa vắng nhưng các hoạt động của khách sạn vẫn đang được duy trì, tiếp tục chuẩn bị cho giai đoạn kinh doanh mới sau dịch sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong 90 năm tồn tại và phát triển, có thể nói đây là giai đoạn khó khăn với một thương hiệu lâu đời như Grand Saigon. Nhưng cũng vì lâu đời nên thương hiệu của khách sạn trở thành "hàng hiếm" trong lòng du khách, đối tác và đang có lợi thế rất lớn để phát triển.
Để tiếp tục duy trì hoạt động, giữ vững thương hiệu gần 100 tuổi của mình, lãnh đạo Grand Saigon đã xây dựng lại chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình hiện tại. Từ việc nghiên cứu khai thác - tìm kiếm thị trường mới, tập trung vào phân khúc nội địa do một số đường bay nội địa đã được mở lại sau ngày 23/4; tập trung khai thác mảng ẩm thực, đặc biệt là các món ăn - thức uống bổ dưỡng giúp nâng cao sức đề kháng, bảo vệ cơ thể, phòng chống dịch bệnh. Hình thức bán hàng mang đi dành cho khách có nhu cầu tiếp tục được phát triển…
Quảng bá du lịch qua đặc sản địa phương
"Du khách tới Việt Nam thường tìm ăn món phở mà ít người biết rằng nước ta còn có rất nhiều đặc sản nổi tiếng ở các vùng miền. TP HCM vốn là nơi có nhiều người từ khắp mọi miền đất nước đến sinh sống và làm việc. Do đó, khi đưa các đặc sản địa phương vào Grand Saigon, chúng tôi mong muốn đa dạng hóa lựa chọn ẩm thực không chỉ cho các vị khách quốc tế mà còn cho những người con xa quê, mong thưởng thức hương vị quen thuộc của tuổi thơ nhưng không có thời gian để về lại quê hương" - ông Trương Đức Hùng chia sẻ.
Có rất nhiều cách để đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Với Grand Saigon, quảng bá hình ảnh là vấn đề luôn được đặt lên hàng đầu và không ngừng được làm mới gắn với hình ảnh khách sạn xanh, thân thiện môi trường và khách sạn 5 sao chuyên về các món ăn đặc sản địa phương.
Khi nhắc đến Grand Saigon - một khách sạn 5 sao với lượng khách châu Âu chiếm đa số - nhiều người sẽ liên tưởng đến các món ăn quốc tế. Nhưng những người đón khách ở đây lại nghĩ khác, họ đưa vào phục vụ du khách trong nước và quốc tế bằng chính đặc sản địa phương của Việt Nam với công thức cầu kỳ cùng nguyên vật liệu phải được lấy từ chính địa phương đó.
Lần lượt từ cháo lòng Gò Công, hủ tiếu bắp chìa Đắk Lắk, hủ tiếu Mỹ Tho, xúp lươn Nghệ An, bánh vá - xôi vò Gò Công, bánh hỏi - thịt nướng Gò Công đến bún bò cay Bạc Liêu, bún cá cóc kho lạt Vĩnh Long, bún nước lèo Sóc Trăng, bún cá hô Châu Đốc, bánh canh Trảng Bàng, bún cá đọt mây - lá nhíp Bình Phước, bún suông Trà Vinh, gà tre hầm sâm dây Ngọc Linh… Những đặc sản địa phương của Việt Nam được đưa vào thực đơn, giới thiệu tới du khách với mong muốn của Grand Saigon là quảng bá nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn đến đông đảo du khách quốc tế.
Việc đưa những món ăn truyền thống, dân dã của Việt Nam lên thành món "5 sao" đã giúp khách sạn nhận được nhiều lời khen từ các vị khách trong nước, quốc tế và các chuyên gia ẩm thực. Grand Saigon đã được vinh danh tại một số giải thưởng danh giá như Giải thưởng Khách sạn phục vụ khách châu Âu nhiều nhất năm 2017 và 2018; Giải thưởng Khách sạn có nhà hàng Âu phục vụ khách quốc tế nhiều nhất năm 2018; Top 5 khách sạn 5 sao hàng đầu Việt Nam...
Lãnh đạo Grand Saigon cho biết sau khi hết dịch, khách sạn sẽ tìm tòi thêm nhiều món ăn bổ dưỡng giúp bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh và đưa vào thực đơn ẩm thực. Chương trình "Ẩm thực địa phương trong lòng khách sạn 5 sao" sẽ được chú trọng đẩy mạnh, dự kiển tổ chức vào cuối quý II/2020 với nhiều món ăn hấp dẫn mới.
"Định hướng phát triển trong những năm tới, Grand Saigon sẽ chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, tiếp thị phù hợp với sự biến đổi liên tục của thị trường; thị trường truyền thống tiếp tục được khai thác cùng với việc tìm kiếm thị trường mới, tìm nhiều nguồn khách lưu trú giúp đẩy mạnh doanh thu cho đơn vị; tập trung vào kinh doanh qua mạng trong xu hướng bùng nổ của công nghệ và thường xuyên nghiên cứu xây dựng các gói khuyến mãi phù hợp để kích cầu trong từng thời điểm" - ông Hùng nói.
Cổ kính pha hiện đại
Tháng 10/1928, một người Pháp được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh khách sạn với tên gọi Grand Hotel de la Rontonde; đến năm 1937, được đổi tên thành Saigon Palace. Vào năm 1989, khách sạn tại số 16 Ngô Đức Kế và nhà hàng tại số 24 Đồng Khởi sáp nhập thành khách sạn Đồng Khởi (còn gọi là khách sạn Grand Saigon). Một trong những sự kiện lịch sử của khách sạn Grand Saigon là việc trở thành đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV vào năm 1994 và được biết đến là một trong 3 khách sạn cổ nhất tại TP HCM. Ngày 22/4/2015, Grand Saigon chính thức được công nhận là một trong những khách sạn 5 sao hàng đầu tại Việt Nam.
Trong quá trình hình thành và phát triển, khách sạn Grand Saigon đã trải qua một số lần tôn tạo. Lần đầu tiên vào năm 1998, khách sạn được cải tạo nâng tổng số lượng phòng lên 107 phòng ngủ, 2 nhà hàng, 1 bar và hồ bơi theo phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ nét đẹp cổ kính theo kiến trúc Pháp. Đến năm 2012, Grand Saigon hoàn thành việc sửa chữa và xây dựng thêm khu Luxury Wing, nâng tổng số phòng lên đến 251; bên cạnh đó, khu Ancient Wing - khu cổ của khách sạn - vẫn được giữ nguyên nét kiến trúc và nội thất Pháp từ những năm 1930.
|
"Độc", lạ...
Các hoạt động bảo vệ môi trường được Ban Giám đốc khách sạn Grand Saigon thể hiện rõ trong việc sử dụng sản phẩm tái chế, nguyên vật liệu vừa rẻ vừa dễ tìm để trang trí. Ví dụ thay vì sử dụng cây cảnh, khách sạn đã ươm trồng và tận dụng các loại cây như: mạ non, khoai lang, củ gừng... thành vật liệu trang trí vừa thân thiện môi trường vừa lạ mắt; lốp vỏ xe cũ dưới ý tưởng của ban giám đốc khách sạn nay đã trở thành những chú cá heo, tôm, cua đầy màu sắc được tận dụng thành các chậu cây xinh xắn và được đặt dưới đất hay treo trên tường của nhà hàng, sân thượng, hồ bơi... tạo nên nhiều không gian xanh.
Các loại vật liệu tái chế khác như vỏ chai rượu bằng thủy tinh, mâm xe, vỏ dừa... cũng được tận dụng để tạo nên những dàn đèn trang trí tại nhà hàng, quầy bar, khu vực sảnh...
|
Thái Phương