(TITC) – Hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch phát động, ngày 29/6/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Trải nghiệm, gắn kết và hành động”, ngay sau chương trình khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch Hà Giang. Phó Tổng cục Trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc tham dự và chủ trì hội nghị.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị (ảnh TITC)
Thay mặt lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc giá cao sự chủ động, quyết tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang trong việc tổ chức khảo sát điểm đến du lịch, hội thảo kích cầu du lịch,đồng thời biểu dương sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp du lịch góp phần khôi phục ngành du lịch hậu Covid-19, thúc đẩy giao lưu giữa các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm du lịch của Hà Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị (ảnh TITC)
Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh tiềm năng, thế mạnh nổi bật du lịch của Hà Giang về du lịch khám phá thiên nhiên - sinh thái và những đặc điểm văn hóa đa dạng, đặc sắc. Hà Giang được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ hiếm có trên dải đất hình chữ S, sở hữu Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận. Đến với Hà Giang, du khách còn được chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa mận, hoa đào và chinh phục con đường Hạnh Phúc nổi tiếng. Du khách còn có thể trải nghiệm, tham gia, tìm hiểu những hoạt động bản sắc địa phương, hòa mình vào những lễ hội truyền thống. Hà Giang luôn là một trong những điểm đến hàng đầu trong các điểm đến ở khu vực miền núi phía Bắc. Trong năm 2019, Hà Giang đã đón được 1,4 triệu lượt khách quốc tế và nội địa, tổng thu nhập từ du lịch đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị (ảnh TITC)
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc hy vọng Chương trình khảo sát và Hội nghị kích cầu du lịch nội địa đến Hà Giang sẽ là một điểm tựa để kích thích nhu cầu du lịch của người dân trong nước đến với Hà Giang, thúc đẩy giao lưu trao đổi khách giữa Hà Giang và các địa phương khác, tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch địa phương với các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, góp phần vào kết quả chung của Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” trên cả nước, thúc đẩy du lịch Hà Giang phát triển lên một tầm cao mới, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ đã đặt ra là vừa phòng chống dịch có hiệu quả và vừa đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Sản phẩm mới Vách đá trắng – Đường trên trời ngắm sông Nho Quế (ảnh TITC)
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng cho biết: sau một thời gian dài bị đóng băng do tác động tiêu cực của Covid-19, du lịch Việt Nam đang được kích hoạt trở lại. Du lịch nội địa một lần nữa lại trở thành cứu cánh cho du lịch Việt Nam phục hồi và cũng là một trong những điểm tựa để duy trì và phát triển kinh tế nước nhà. Đối với Hà Giang, Phó Tổng cục trưởng đề nghị “Trải nghiệm, gắn kết và hành động” phải là mục tiêu của Chương trình kích cầu du lịch nội địa Hà Giang lần này để các bên liên quan cùng chung tay hành động, đồng thời nhấn mạnh Hà Giang cần chú trọng phát triển du lịch thông minh để du khách dễ dàng tiếp cận với những thông tin, điểm đến du lịch Hà Giang bằng công nghệ mới theo xu hướng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sản phẩm Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông - Mèo Vạc (ảnh TITC)
Về phía Tổng cục Du lịch, Phó Tổng cục trưởng cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ tối đa các hoạt động của du lịch Hà Giang, đồng thời đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang có chính sách hỗ trợ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chung tay xây dựng gói kích cầu du lịch, quảng bá truyền thông về một Hà Giang tươi đẹp và hùng vĩ. Đối với các doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng đề nghị tiếp tục thúc đẩy phát triển điểm đến Hà Giang là một trong những điểm đến hàng đầu ở khu vực miền núi phía Bắc.
Thảo luận tại Hội nghị (ảnh TITC)
Thế Phi