Lễ hội Gầu Tào không những là hoạt động văn hóa tâm linh của đồng bào H'Mông ở Tả Sử Chóong, mà còn mang một ý nghĩa lớn hơn đó là sợi dây liên kết giữa cộng đồng các dân tộc vùng cao...
Gầu Tào là lễ hội truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Mông ở xã Tả Sử Chóong huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang nói riêng và người Mông nói chung. Lễ hội gắn liền với đời sống tâm linh và niềm tin của người Mông về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc H’Mông là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đã có từ lâu đời. Việc tổ chức lễ hội Gầu Tào nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa, dân tộc, tăng cường quảng bá với du khách về lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch của xã Tả Sử Chóong, huyện Hoàng Su Phì. Tạo không khí vui tươi phấn khởi cho người dân gặp gỡ, vui chơi, cùng múa khèn, hát giao duyên, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Trong Lễ hội Gầu Tào của người H’Mông, cây nêu được dựng trên bãi đất rộng, bằng phẳng, thể hiện sự vững chãi, tâm điểm của trời đất. Nói về ý nghĩa của cây nêu ông Giàng Văn Thàng, Chủ tịch UBND xã Tả Sử Chóong cho biết: "Việc cúng lễ ngay dưới gốc cây nêu là để cầu trời đất, thần linh phù hộ cho bản làng yên vui, người người khỏe mạnh, hạnh phúc, ăn nên làm ra, trồng trọt, chăn nuôi sinh sôi, được mùa… Sau phần lễ là các hoạt động văn hóa dân gian của người Mông được diễn ra với nhiều hoạt động văn nghệ và trò chơi dân gian phong phú".
Lễ hội Gầu Tào không những là hoạt động văn hóa tâm linh của đồng bào H'Mông ở Tả Sử Chóong, mà còn mang một ý nghĩa lớn hơn đó là sợi dây liên kết giữa cộng đồng các dân tộc vùng cao, giới thiệu quảng bá và bảo tồn nét văn hóa dân gian, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch./.
Văn Hiếu