Từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, khắp núi rừng Hồng Thái (huyện Na Hang, Tuyên Quang) được bao phủ bởi những cây lê nở hoa trắng muốt. Ở nơi có độ cao hơn 1.000 m so mặt nước biển, đây là vùng đất duy nhất trồng được lê. Vì thế, mùa hoa lê có sức hút khó cưỡng với những ai háo hức tìm sắc xuân vùng cao.
Hồng Thái là xã cao nhất của Tuyên Quang, được bao bọc giữa núi rừng trùng điệp. Cách không xa là hồ thủy điện Na Hang mênh mông, khung cảnh sơn thủy hữu tình tô điểm cho những bản làng của người Dao Tiền, người Tày... Những ruộng bậc thang trùng điệp hay những vườn cây trái xanh tốt đặc trưng của khí hậu cận ôn đới càng thêm sức sống khi mùa xuân về.
Từ khi lập xuân, tiết trời ấm áp, những cành lê xù xì thô ráp bắt đầu đâm chồi, nảy lộc sau một kỳ nghỉ đông dài. Khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch là lúc hoa lê nở rộ nhất, khi cả một vạt rừng đồng loạt trổ bông trắng muốt. Các cánh hoa bung ra rực rỡ giữa đại ngàn khiến không gian sáng bừng sức sống mới. Mỗi sáng sớm, chen giữa lớp mây mù mờ ảo, những cành hoa lê như bông tuyết lơ lửng giữa lưng chừng trời.
Dọc đường đến Khau Tràng, những gốc lê có tuổi đời chừng 20 năm trồng thành hàng xuôi theo sườn dốc thoải, vươn tán rộng thành một vòm che phủ nguyên một mầu trắng tinh khôi. Đây là thôn có diện tích trồng lê lớn, cảnh quan đẹp nhất để dạo bộ, ngắm cảnh hay dã ngoại. Điều đặc biệt, nhờ được tô điểm bởi sắc hoa quanh nhà mà những ngôi nhà gỗ truyền thống hay sắc áo chàm đen của người phụ nữ Dao Tiền trở nên nổi bật.
Sức hấp dẫn của vùng đất Hồng Thái không chỉ riêng mùa hoa lê. Đây cũng là một điểm đến trong hành trình khám phá Vườn quốc gia Ba Bể - Na Hang, về vùng đất Lâm Bình theo dòng sông Gâm, sông Năng thưởng ngoạn không gian sinh thái trong lòng hồ. Năm mới lên đây là đã kịp tham gia những lễ hội xuân cùng đồng bào. Thu tới là lúc lê ngọt mọng, chín thơm trĩu cành. Tháng 9, tháng 10 cũng là lúc lên đường để chiêm ngưỡng ruộng bậc thang mùa lúa chín vàng rực rỡ. Cứ tuần tự bốn mùa, bức tranh thiên nhiên phô bày muôn vẻ đẹp. Chỉ những giá trị văn hóa truyền thống, sự hiếu khách và thân thiện của người dân xứ Tuyên là không thay đổi, khiến ai đến cũng chẳng muốn rời.
Nguyễn Lê