Ở Việt Nam có nhiều loại hình du lịch cộng đồng như: đi tham quan các làng nghề cổ, hòa mình cùng núi rừng thiên nhiên, du lịch nông nghiệp, du lịch khám phá nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc...
Trong đó, được hưởng ứng và tham gia nhiều nhất vẫn là loại hình du lịch Homestay - hình thức khách du lịch đến ở một nhà người dân tại địa phương, được ăn, nghỉ và tham gia các công việc trong gia đình cũng như các lễ hội của địa phương.
Du lịch - công cụ giảm nghèo hữu hiệuCách Hà Nội 130km, thung lũng du lịch Mai Châu, Hòa Bình là điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Người Thái trắng ở Mai Châu làm du lịch trong chính nhà sàn của họ, đặc biệt là ở bản Pom Coọng và bản Lác.
Nhờ phát triển du lịch, đời sống của bà con các dân tộc ở Hòa Bình đã được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi đáng kể. Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ trong bản đã dệt khăn quàng cổ, váy xòe Thái, vải treo tường có trang trí, dây đeo tay và những chiếc ví xinh xắn; đàn ông thì chế tác cung, nỏ, mõ trâu... để làm quà lưu niệm bán cho khách du lịch. Bây giờ, bản Lác có đường nhựa trải từ đầu bản đến tận sân từng nếp nhà sàn mộc mạc bằng gỗ.
Du lịch gần như là nguồn thu chính của bà con nơi đây. Tính riêng từ đầu năm đến nay, ngành du lịch huyện Mai Châu đã thu hút được gần 14.000 lượt du khách, thu gần 6 tỷ đồng từ du lịch. Huyện Sa Pa (Lào Cai) cũng là một trong những địa phương phát triển mạnh du lịch cộng đồng với các điểm du lịch bản làng được du khách tham quan nhiều như bản Cát Cát, Sín Chải, Lao Chải, Tả Van… Riêng năm 2008, đã có gần 80.000 lượt khách đến các bản làng này.
Sự phát triển của du lịch cộng đồng ở Sa Pa đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc các làng bản. Số người dân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch khá cao. Bản Cát Cát có 360 người Mông thì có tới 120 người tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch như: bán thổ cẩm, hướng dẫn khách du lịch, biểu diễn văn nghệ…
Không chỉ ở Hòa Bình, Lào Cai, mà ở nhiều địa phương khác trong cả nước, loại hình du lịch gắn liền với đời sống của đồng bào cũng đã phát triển. Ở Hội An (Quảng Nam), khách du lịch có thể tham gia đánh cá cùng ngư dân; ở đồng bằng sông Cửu Long, du khách có thể trở thành những nông dân miệt vườn…