Hội thảo quốc tế về cồng chiêng tại Pleiku
Cập nhật: 15/11/2009
Ngày 14/11/2009, tại Pleiku, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo quốc tế “Sự thay đổi đời sống kinh tế xã hội và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á".

Ngay sau khi UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (năm 2005), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy giá trị kiệt tác này. Nhiều công việc đã được tiến hành như sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy, trong đó có việc tổ chức các hội thảo quốc gia và quốc tế về các vấn đề về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên về chủ đề “sự thay đổi của đời sống kinh tế xã hộ đối với việc bảo tồn văn hoá cồng chiêng ở Việt Nam và Đông Nam Á". Hội thảo đã tập hợp nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế tập nhằm thảo luận các vấn đề về những nghiên cứu về cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung và Đông Nam Á; Vai trò xã hội của cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng của Việt Nam và Đông Nam Á; Những tác động của kinh tế, xã hội đối với văn hóa cồng chiêng, những thích nghi và hạn chế, du lịch và di sản văn hóa dân tộc; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các nước Đông Nam Á.

Theo các nhà khoa học tại hội thảo, trước hết cần phải tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu rõ về văn hóa cồng chiêng. Không gian văn hóa cồng chiêng nằm trong không gian sống của đồng bào dân tộc các dân tộc. Vì vậy, muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng phải giữ được không gian sống của nó.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc lưu truyền văn hóa cồng chiêng. Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng, sự truyền dạy ngay trong cộng đồng, gia đình, dòng họ rất có ý nghĩa. Và để làm được điều này, chúng ta cần có sự quan tâm, đặc biệt quan tâm đến các nghệ nhân, phải chăm lo các nghệ nhân, đó chính là những báu vật sống.

Ngoài ra, cũng cần phổ biến rộng rãi văn hoá cồng chiêng cũng như có định hướng đưa văn hoá dân gian (trong đó có cồng chiêng) vào nhà trường để lớp trẻ hiểu biết và có ý thức gìn giữ, phát huy.
DulichNet