Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cùng đoàn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili và Bộ trưởng Bộ Du lịch Maldives
Sáng ngày 14/6/2022, Phiên họp Liên Uỷ ban Đông Á-Thái Bình Dương và Uỷ ban Nam Á của UNWTO lần thứ 34 đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các quốc gia, tổ chức thành viên khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNWTO và một số quan sát viên.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, ông Abdulla Mausoom - Bộ trưởng Bộ Du lịch Maldives, Chủ tịch Phiên họp khẳng định Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có nhiều quốc gia có ngành du lịch tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới trong giai đoạn 2010-2019, đồng thời nhấn mạnh việc nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế đi lại là thiết yếu để khởi động lại du lịch và mang lại các lợi ích thiết thực cho kinh tế-xã hội. Maldives đặt sự an toàn của khách du lịch và cộng đồng địa phương là ưu tiên hàng đầu, và với kinh nghiệm mở cửa từ năm 2021, Maldives tự tin là một ví dụ điển hình trong việc hài hoà giữa tái khởi động ngành du lịch và đảm bảo an toàn y tế. Tuy quá trình phục hồi còn nhiều thách thức, sự hợp tác toàn cầu thông qua những diễn đàn như UNWTO sẽ mở ra cơ hội để phục hồi toàn diện hơn, hướng tới ngành du lịch bền vững và tự cường trong tương lai.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh thông tin về tình hình phục hồi du lịch Việt Nam
Tại Phiên họp, ông Zurab Pololikashvili - Tổng Thư ký UNWTO đã báo cáo tình hình phục hồi của du lịch thế giới và các hoạt động của UNWTO triển khai nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững. Theo đó, ngành du lịch thế giới tiếp tục từng bước khôi phục trong năm 2022. Ba tháng đầu năm 2022 có 76 triệu lượt khách đi du lịch quốc tế, trong đó khu vực châu Âu chiếm tới 50 triệu lượt; tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn 61% so với năm 2019. Xuất khẩu du lịch quốc tế đạt 713 tỷ đô-la Mỹ trong Quý I/2022, tăng nhẹ 4% so với năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn 62% so với năm 2019. Căn cứ vào số liệu của Quý I và tình hình mở cửa biên giới tích cực của các nước trong Quý II, UNWTO dự báo kịch bản phục hồi của năm 2022 sẽ đạt từ 55% đến 70%, và ngành du lịch thế giới có thể quay trở lại mức phát triển như 2019 vào năm 2023.
Tổng Thư ký cũng nhấn mạnh 5 ưu tiên của UNWTO trong giai đoạn hiện nay, bao gồm: Đổi mới và chuyển đổi số; Đầu tư và khởi nghiệp xanh; Đào tạo và tạo việc làm; Nâng cao khả năng phục hồi, đẩy mạnh thông tin thị trường và tạo điều kiện đi lại; Bảo vệ di sản xã hội, văn hoá và môi trường bền vững. Nhằm thực hiện các ưu tiên này, thời gian qua UNWTO đã triển khai một số hoạt động nổi bật như: Phiên thảo luận cấp cao tại Đại hội đồng Liên hợp quốc với chủ đề “Du lịch bền vững và có khả năng phục hồi là cốt lõi của phục hồi toàn diện”; Sáng kiến Giải thưởng Làng Du lịch tốt nhất; Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Các chương trình đào tạo năng lực…
Báo cáo về hoạt động của UNWTO tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Harry Hwang, Giám đốc khu vực đã giới thiệu một số sự kiện đã được UNWTO tổ chức thành công trong năm vừa qua, nổi bật như: Chương trình đào tạo về chính sách du lịch tại Maldives, Diễn đàn của UNWTO và Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA) về Xu hướng và Triển vọng Du lịch tại Trung Quốc; Hội nghị về Trao quyền cho Phụ nữ ngành Du lịch tại Malaysia; các dự án hỗ trợ kỹ thuật về quy hoạch du lịch và tài khoản vệ tinh du lịch; Xuất bản các báo cáo chuyên ngành… Ông Yoshiaki Hompo, Trưởng Văn phòng hỗ trợ khu vực UNWTO khu vực châu Á-Thái Bình Dương (RSOAP) cũng báo cáo thêm về hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Văn phòng, trong đó có hoạt động kết nối Tổng cục Du lịch và Quỹ Nippon Nhật Bản nhằm đề xuất dự án phục hồi du lịch bền vững sau COVID-19, dự kiến sẽ được triển khai vào cuối năm 2022.
Tại Phiên họp, các nước thành viên đã báo cáo về các chính sách ứng phó với COVID-19 và đẩy mạnh phục hồi ngành du lịch đã được triển khai. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết Việt Nam đã mở cửa từ ngày 15/3/2022 và hiện nay các yêu cầu nhập cảnh cơ bản đã thông thoáng như trước đại dịch. Trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón hơn 220 nghìn lượt khách quốc tế, gần 50 triệu lượt khách nội địa, tăng mạnh so với cùng kỳ trong hai năm trước. Bên cạnh những chính sách thúc đẩy mở cửa du lịch quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch, một số động lực đẩy mạnh hiệu quả phục hồi ngành du lịch đã được Việt Nam triển khai bao gồm: Nâng cao độ bao phủ vắc-xin; Triển khai các biện pháp thích ứng linh hoạt trong quá trình mở cửa du lịch; Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ ngành và địa phương để triển khai thí điểm và sau đó là mở cửa hoàn toàn với các điều kiện an toàn được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn; Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá với chiến dịch “Live Fully in Vietnam” và hợp tác với nhiều địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm mới hấp dẫn.
Cũng theo báo cáo của các nước thành viên tại Phiên họp, một số chính sách đã được các nước thực hiện hiệu quả trong thời gian qua nhằm khôi phục hoạt động du lịch như: Nới lỏng các chính sách nhập cảnh và yêu cầu y tế (bỏ cách ly đối với khách du lịch, nới lỏng hoặc bỏ các yêu cầu về test COVID-19, áp dụng hộ chiếu vắc-xin hoặc không yêu cầu chứng nhận tiêm vắc-xin khi nhập cảnh); Đẩy mạnh mức độ bao phủ vắc-xin; Đăng cai các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch, sự kiện thể thao quốc tế; Triển khai các chiến dịch quảng bá du lịch sau COVID-19…
Chiều ngày 14/6/2022, Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng UNWTO với chủ đề Khả năng phục hồi du lịch thông qua Đổi mới và Số hoá ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức với sự tham gia của một số Bộ trưởng, Trưởng đoàn quốc gia thành viên UNWTO và tổ chức quốc tế. Tại Hội nghị bàn tròn này, các nhà lãnh đạo du lịch đã thảo luận về biện pháp đạt được mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra các chuyến đi thông suốt và nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch. Hội nghị đã lắng nghe ý kiến chia sẻ đa dạng từ các ngành du lịch có mức độ phát triển khác biệt như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Maldives, Timor Leste…
Đối với Nhật Bản, đại dịch COVID-19 là một cơ hội để Chính phủ nhận thức được tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm và có thể kiểm soát được sự “quá tải”. Là một đất nước có công nghệ phát triển, trong bối cảnh đại dịch, Nhật Bản đã ứng dụng các hệ thống nhận diện gương mặt cho khách làm thủ tục xuất nhập cảnh để hạn chế tiếp xúc và tăng cường bảo mật thông tin, đồng thời khuyến khích mở rộng các hoạt động nhận-trả phòng khách sạn tự động, gọi món tự động tại nhà hàng. Trong khi đó Timor Leste với nền công nghệ chưa phát triển lựa chọn cách học tập kinh nghiệm và tăng cường hợp tác quốc tế với các nước phát triển để thúc đẩy chuyển đổi số. Indonesia nhấn mạnh việc dự báo và nâng cao năng lực để các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy đến trong tương lai, bao gồm cả về chính trị, kinh tế, thiên tai…
Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng UNWTO
Chia sẻ về sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình mở cửa du lịch, Malaysia nhận định việc thành lập cơ chế hợp tác giữa các Bộ ngành thiết yếu liên quan và đảm bảo truyền thông kịp thời, hiệu quả tới các doanh nghiệp, người lao động, cộng đồng du lịch là yếu tố cần thiết để nhận được sự ủng hộ, đồng lòng khi xây dựng và triển khai kế hoạch phục hồi ngành du lịch. UNWTO với vai trò tổ chức điều phối hoạt động du lịch quốc tế đã tăng cường hợp tác với các tổ chức liên quan như Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, các văn phòng khu vực cũng như tất cả quốc gia thành viên để nắm bắt tình hình cập nhật nhất về đại dịch và đưa ra các dự báo, chính sách ứng phó và ưu tiên phù hợp với từng giai đoạn.
Tố Linh - Vụ Hợp tác quốc tế (từ Maldives)