Từ ngày 23/11/2009 đến ngày 14/2/2010 (tức ngày 1/1/2010 Tết Canh Dần), tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Số 1, Phạm Ngũ Lão, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), diễn ra trưng bày chuyên đề “Tranh thêu truyền thống Việt Nam”.
Với 4 bộ sưu tập: sưu tập tranh hoa điểu gồm: công - phù dung, trĩ - phù dung, trúc - hạc, sen - vịt, tùng - hạc, phượng hoàng đậu trên cây phong, đại bàng…; sưu tập câu đối đại tự, chủ yếu là các loại đồ thờ, chúc tụng gồm 4 câu đối và 1 bức đại tự chữ “Thọ”; sưu tập động vật gồm 3 tranh thêu gà và 1 tranh hổ; sưu tập tranh thêu nhân vật gồm 2 tranh Phúc - Lộc - Thọ và Vinh quy bái tổ cùng những tài liệu khoa học, tranh ảnh như: ảnh về những người thợ thêu trên bưu thiếp thời Pháp; chân dung tiểu sử của ông tổ nghề thêu, tiến sĩ Lê Công Hành; một số hình ảnh về nghề thêu truyền thống ở Quất Động, các khung thêu, chỉ màu, kim thêu…, công chúng tham dự có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh thêu rất đẹp có niên đại đầu thế kỷ 20 và tìm hiểu thêm về lịch sử nghề thêu ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, thêu là một nghề truyền thống đã có tự lâu đời. Lịch sử của nghề truyền thống này vốn gắn liền với lịch sử tâm linh của người phụ nữ Việt Nam trong quá khứ. Ngay từ thế kỷ I, người Việt đã dệt được các loại vải, lụa mịn, dệt khăn sợi bông thêu chữ nhỏ và các thứ hoa rất đẹp gọi là bạch diệp. Tuy nhiên, nghề thêu lúc đó chỉ dừng lại ở kỹ thuật thô sơ, chưa được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Đến đầu thế kỷ 17 ông Lê Công Hành (xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ) khi đi sứ sang Trung Quốc đã học được nghề thêu của Trung Quốc và sau khi về nước đã truyền dạy cho người dân trong làng và sau này đã phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Bởi vậy, ông đã được người dân suy tôn thành ông tổ của nghề thêu.
Trải qua thời gian, đến nay, nghề thêu truyền thống Việt Nam đã phát triển ở khắp các vùng miền với kỹ thuật tinh xảo, sản phẩm phong phú và mang đậm nét nghệ thuật.
Thanh Hải biên tập