Mở lối cho du lịch nông thôn
Cập nhật: 22/08/2022
Phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp phù hợp với xu hướng du lịch xanh, bền vững của thế giới. Đây cũng là 1 trong 3 sản phẩm du lịch mới mà Việt Nam đang chú trọng phát triển. Những chính sách dành cho du lịch nông thôn cũng dần được khai thông...

Du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại Bảo Gia Farm & Camping.

Quyết định số 922/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký (ngày 2-8-2022), phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), đã mở ra nhiều hướng phát triển du lịch nông thôn. Đây là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả và bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Mục tiêu của Chương trình là đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương; phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả... Đến năm 2025, phát triển và chuẩn hóa các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn...

Từ đó, các nhiệm vụ trọng tâm được xác định là: nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ; bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống; nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến; xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các điểm du lịch với khoảng cách hợp lý; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp; xây dựng và số hóa thông tin; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; truyền thông, xúc tiến quảng bá; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn…

Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (quốc tế, nội địa; theo độ tuổi…). Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch làng thông minh. Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế, hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách…) trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; có áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số.

Chương trình đã mở ra nhiều chính sách cũng như các giải pháp để du lịch nông thôn ở các địa phương có cơ hội phát triển. Bởi khi Chương trình chưa được ban hành, nhiều địa phương gặp khó trong việc định hướng và phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp vì không có cơ chế, hướng dẫn cụ thể. Bà Lê Thị Bé Bảy, tư vấn du lịch cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, bày tỏ: “Người nông dân làm du lịch phải thay đổi tư duy từ làm vườn sang làm kinh tế. Người dân cồn Sơn làm du lịch ban đầu là theo mô hình cộng đồng, có gì làm đó, nhưng dần về sau thay đổi hướng đến những điều kiện bền vững hơn. Hiện mô hình chúng tôi đang xây dựng là Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp cồn Sơn, với định hướng xây dựng những sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng hơn, định vị thương hiệu. Trên thực tế, dù chúng tôi đã được địa phương hỗ trợ rất nhiều nhưng vẫn gặp khó ở một số cơ chế, chính sách”. Ông Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL, từng chia sẻ: “Du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL có nhiều tiềm năng, phát triển với nhiều mô hình ở Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp… Tuy nhiên, cái khó chung của du lịch nông nghiệp ĐBSCL là hệ thống các cơ sở hạ tầng không có sự đồng bộ nên cần thiết có những chính sách, giải pháp”. Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đưa đề xuất: “Muốn phát triển du lịch nông nghiệp, phải gỡ sự chồng chéo trong quản lý ở các địa phương, đồng thời phải có sự chung tay, tham gia liên ngành để cùng gỡ khó”.

Nhiều địa phương tại ĐBSCL đã linh động để tạo điều kiện cho loại hình du lịch nông nghiệp phát triển. Cụ thể như ở Hậu Giang đang chú trọng tìm các giải pháp, đồng hành cùng các hộ dân làm du lịch từng bước tháo gỡ các khó khăn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, quản lý dự án Bảo Gia Farm & Camping (Hậu Giang), cho biết: “Sau khảo sát, địa phương đang tạo điều kiện để chúng tôi xây dựng đề án farmstay tại đây. Định hướng của chúng tôi chính là phát triển bền vững, kết hợp giáo dục, du lịch với nông nghiệp”. Với định hướng từ Chương trình, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đặt ra đối với các bộ ngành hữu quan; trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ ngành hữu quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Các địa phương có điều kiện phát triển du lịch nông thôn xây dựng đề án, chương trình hoặc kế hoạch phát triển du lịch nông thôn phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và các quy hoạch liên quan… Điều này sẽ mở ra cơ hội cho du lịch nông thôn phát triển trong thời gian tới khi các bên chung tay thực hiện.

Bài, ảnh: Ái Lam

 

Báo Cần Thơ - baocantho.com.vn - Ngày đăng 22/8/2022