Hơn 40 gian hàng giới thiệu lịch sử, văn hóa, sản vật và ẩm thực đặc sắc của Bắc Ninh tại không gian nhà Bát Giác (vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đem đến công chúng nhiều trải nghiệm thú vị.
Trình diễn quan họ tại chương trình Không gian Bắc Ninh trong lòng Hà Nội.
Bắc Ninh là vùng đất cổ. Đó là nơi có lăng và đền thờ Kinh Dương Vương (huyện Thuận Thành), vị Thủy tổ dân tộc. Đó cũng là nơi đánh dấu Phật giáo du nhập vào nước ta những năm đầu Công nguyên, mà dấu ấn còn đến ngày nay là hệ thống chùa Tứ pháp, tiêu biểu nhất là chùa Dâu. Bắc Ninh là quê hương của Vua Lý Thái Tổ, người ban Thiên đô chiếu, quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Trong suốt lịch sử, Bắc Ninh là mảnh đất của khoa bảng, hàng trăm nhân tài Kinh Bắc đến Thăng Long thi thố, lập nghiệp và có đóng góp to lớn cho sự phát triển của Thăng Long. Bắc Ninh nổi tiếng là miền quan họ, không chỉ có những câu ca ngọt ngào, trữ tình mà còn có những nếp sinh hoạt văn hóa quan họ ăn sâu vào cuộc sống.
Với bề dày lịch sử như thế, văn hóa Bắc Ninh được ví như một kho tàng khổng lồ. Mặc dù vậy, so với các ngành kinh tế khác, ngành du lịch Bắc Ninh chưa thật sự "cất cánh". Lượng khách du lịch đến Bắc Ninh chủ yếu tập trung trong mùa lễ hội, nhất là Lễ hội Lim (huyện Tiên Du). Năm 2019, thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, tỉnh đón 1,6 triệu lượt khách du lịch; năm 2021, con số này là 788 nghìn lượt. Để quảng bá hình ảnh Bắc Ninh "Ấn tượng, an toàn, thân thiện" qua đó thu hút đầu tư, phát triển du lịch, cuối tuần qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức chương trình "Không gian Bắc Ninh trong lòng Hà Nội" 2022. Đây là lần thứ hai sự kiện được tổ chức tại vườn hoa Lý Thái Tổ, trong không gian phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm.
"Không gian Bắc Ninh trong lòng Hà Nội" đã giúp công chúng Thủ đô có dịp trải nghiệm những nét đặc sắc nhất của miền quan họ qua chương trình năm 2022. 40 gian hàng của chương trình được chia làm năm chủ đề khác nhau: Trình diễn, trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống; Giới thiệu đặc sản ẩm thực miền quan họ; Xúc tiến quảng bá Bắc Ninh-điểm đến Ấn tượng, an toàn, thân thiện... Tại đây, khách tham quan có thể tìm hiểu về những sản phẩm thủ công độc đáo như: Tranh Đông Hồ, mây tre đan Xuân Hội, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái…; hay khảo sát những tua du lịch qua các di tích quốc gia đặc biệt của Bắc Ninh: Chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền Lý Bát Đế, chùa Phật Tích… Các gian hàng cũng giới thiệu những món ẩm thực như: Bánh tẻ làng Chờ, nem Bùi Xá, tương Đình Tổ, bánh Phu Thê, bánh giò Đáp Cầu... cùng các sản phẩm OCOP tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh. Song nổi bật nhất, được quan tâm nhất là phần trưng bày, giới thiệu không gian làng quan họ, trình diễn di sản với chủ đề Bắc Ninh-Về miền quan họ. Tại đây, khán giả được đắm mình trong những làn điệu quan họ của các anh Cả, anh Hai, chị Hai, chị Ba…, được chia sẻ những câu chuyện về kết chạ, về những sinh hoạt văn hóa quan họ còn đến hôm nay và nhận những miếng trầu têm cánh phượng duyên dáng từ các liền chị quan họ. Chị Bùi Thanh Phương (phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho biết: "Đến với Không gian Bắc Ninh trong lòng Hà Nội, tôi được biết thêm nhiều địa chỉ tham quan, du lịch thú vị, nhất là các di tích, chùa chiền. Tôi thấy mình có thêm nhiều lựa chọn cho những chuyến đi ngắn quanh Hà Nội".
Hiện nay, với hệ thống giao thông được kết nối thuận lợi, tỉnh Bắc Ninh càng khẳng định vai trò trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Với việc du lịch đang hồi phục mạnh mẽ, chương trình "Không gian Bắc Ninh trong lòng Hà Nội" là chất "xúc tác" để quảng bá mạnh mẽ hơn du lịch Bắc Ninh tới công chúng, cung cấp thêm sản phẩm du lịch cho người dân Thủ đô. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, Vũ Thị Phương Thảo cho biết: "Việc tổ chức chương trình quảng bá văn hóa, du lịch Bắc Ninh tại Hà Nội không chỉ nhằm thu hút du lịch, mà còn thu hút các nhà đầu tư về du lịch đến với Bắc Ninh. Hoạt động này nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch của Bắc Ninh đến năm 2022 đón và phục vụ từ 2 triệu đến 2,5 triệu lượt khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt từ 1.200 đến 1.500 tỷ đồng. Đến năm 2030 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đón và phục vụ từ 7 triệu đến 8 triệu lượt khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 10.000 tỷ đồng".
Dã liên