Khi du lịch được mở cửa hoàn toàn từ ngày 15-3-2022, các không gian đi bộ của thành phố Hà Nội đã hoạt động trở lại để phục vụ người dân và du khách. Không những vậy, trên địa bàn thành phố còn hình thành thêm không gian đi bộ mới. Đến nay, 4 không gian đi bộ ở khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội đang từng bước phát huy hiệu quả, trở thành những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.
Trò chơi dân gian tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) thu hút người dân tham gia. Ảnh: Đỗ Tâm
“Đặc sản” của Thủ đô
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 4 không gian đi bộ, đó là: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian đi bộ khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm); không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố - phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây). Các không gian đi bộ được xem là “đặc sản” của Thủ đô để thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Sau một năm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngày 18-3-2022, các không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm mở lại, tiếp tục phát huy được lợi thế là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện cho người dân và du khách vào dịp cuối tuần.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, từ khi hoạt động trở lại, số lượng người dân và du khách đến với các không gian đi bộ đạt khoảng 3-4 vạn lượt người trong những ngày cuối tuần. Một số thời điểm, như dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Quốc khánh 2-9, Tết Trung thu…, lượng khách tăng đột biến. Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết, từ khi mở cửa trở lại đến nay, đã có 864 buổi biểu diễn nghệ thuật được tổ chức tại các không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Nơi đây đã trở thành điểm đến cuối tuần hấp dẫn cũng như đóng vai trò lớn trong việc quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến thông tin, từ khi mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 7-5-2022, phố đi bộ Trịnh Công Sơn có nhiều đổi mới hơn trước. Nhiều tiểu cảnh, điểm "check in" dành cho du khách được trang trí đẹp mắt. Đáng chú ý, quận Tây Hồ còn tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn, như các đêm nhạc Trịnh Công Sơn, hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc để thu hút người dân và du khách nước ngoài đến đông hơn.
Ở khu vực ngoại thành, không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) khai trương vào dịp lễ 30-4 và đã trở thành điểm thu hút khách mới của khu vực Sơn Tây, Ba Vì và vùng lân cận. Theo Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây Nguyễn Đăng Thạo, qua 4 tháng triển khai thí điểm, đã có khoảng 200 hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật diễn ra, thu hút hơn 25 vạn lượt khách đến với không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây.
“Chúng tôi cố gắng tổ chức những sự kiện có chủ đề khác nhau vào cuối tuần hoặc những hoạt động mang tính đặc trưng, như: Lễ hội mít, lễ hội thi rước đèn Trung thu, các đêm nhạc có tính giải trí..., nên đã tạo được sức hấp dẫn riêng”, ông Nguyễn Đăng Thạo nói.
Người dân trải nghiệm các hoạt động tại không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Nguyễn Quang
Tăng hiệu quả thu hút du khách
Từ khi hoạt động trở lại, các không gian đi bộ đang dần phát huy hiệu quả, trở thành điểm vui chơi, thư giãn cuối tuần của người dân và du khách. Tuy nhiên, theo nhiều du khách, hoạt động của không gian đi bộ cần điều chỉnh để hấp dẫn và mới lạ hơn. Chị Trần Hoàng Thảo (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cho rằng, phố đi bộ ở khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ phải giải quyết dứt điểm tình trạng bán hàng rong và cần quy hoạch tốt hơn một số điểm bán hàng tự động. Còn phố đi bộ Trịnh Công Sơn nên giới thiệu những đặc sản ẩm thực của địa phương nhiều hơn là thức ăn nhanh.
Ở góc độ dịch vụ lữ hành, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, các không gian đi bộ cần phát huy lợi thế đặc trưng để tạo màu sắc riêng. Các không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nên thiên về những hoạt động mang tính truyền thống; không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) cần tổ chức nhiều hoạt động trẻ trung, sôi động để thu hút giới trẻ; không gian đi bộ tại Thành cổ Sơn Tây nên có nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm làng nghề và những hoạt động gắn với đời sống nhân dân địa phương. Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa, cơ quan quản lý nên có chính sách phân bổ các sự kiện, hoạt động cho từng không gian đi bộ, tránh việc phần lớn sự kiện tập trung ở không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, dẫn đến tình trạng quá tải ở một khu vực.
Hiện tại, Sở Du lịch Hà đã có kế hoạch triển khai các hoạt động để tăng cường quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài nước. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở sẽ làm việc với một số địa phương để tổ chức các sự kiện ở tuyến phố đi bộ, nhằm đẩy mạnh quảng bá, phát huy hiệu quả các không gian đi bộ trong việc thu hút du khách.
Hoàng Lân