HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất thông qua việc điều chỉnh mức thu phí, tách tuyến các điểm tham quan di sản Huế nhằm phù hợp với tình hình mới và đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.
Chiều ngày 26/10, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Nghị quyết về quy định quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.
Du khách đến tham quan di sản Huế. Ảnh: Thùy An
Về cơ bản, mức thu phí tham quan lần này sẽ được kế thừa trên cơ sở mức thu quy định tại Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND; có điều chỉnh một số trường hợp nhằm đảm bảo theo quy mô của từng cụm, điểm di tích sau khi trùng tu và khắc phục một số hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện công tác thu phí thời gian qua. Theo đó, quy định lần này sẽ có điều chỉnh, như: phát hành riêng vé tham quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thay vì vé gộp cùng với Hoàng Cung Huế trước đó); việc áp dụng mức thu phí theo 3 nhóm như hiện tại là chưa tương đồng giữa các cụm, điểm, khu vực tham quan nên cũng được điều chỉnh theo hướng xây dựng các tuyến mới (tuyến 2 điểm, tuyến 3 điểm); áp dụng mức thu phí mới cho các điểm tham quan vừa được đầu tư bảo tồn, tu bổ thời gian qua…
Theo đó, giữ nguyên giá vé áp dụng chung cho du khách quốc tế và Việt Nam tại các điểm tham quan Đại Nội Huế (200.000 đồng/lượt), các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định (150.000 đồng/lượt/điểm); điều chỉnh giá vé tham quan lăng Gia Long là 150.000 đồng/lượt, lăng Đồng Khánh (100.000 đồng/lượt) do tăng quy mô, giá trị của điểm di tích. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, điện Hòn Chén, cung An Định, đàn Nam Giao có mức vé 50.000 đồng/lượt/điểm.
Ngoài ra, sẽ phát hành vé tham quan cho tuyến gộp 2 điểm (tuyến mới) để phù hợp với nhu cầu của khách tham quan, gồm: tuyến lăng Minh Mạng- Gia Long; lăng Tự Đức- Đồng Khánh; Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế- cung An Định. Giá vé tham quan các tuyến gộp 2 điểm được giảm 20% so với giá vé thực tế ở các điểm cộng lại.
Các tuyến 3 điểm: Đại Nội Huế- lăng Minh Mạng- lăng Khải Định (tuyến hiện hành); và các tuyến mới Đại Nội Huế- lăng Minh Mạng- lăng Tự Đức; Đại Nội Huế- lăng Tự Đức- lăng Khải Định đều có mức giá 420.000 đồng/vé. Tuyến 4 điểm: Đại Nội Huế- lăng Minh Mạng- lăng Tự Đức- lăng Khải Định giữ nguyên mức vé hiện hành 530.000 đồng/vé (nếu tính thu vé lẻ ở các điểm sẽ 650.000 đồng).
Du khách quốc tế tham quan di sản Huế tăng trở lại sau khi thực hiện chính sách mở cửa linh hoạt hoạt động du lịch. Ảnh: Thùy An
Tuyến gộp tất cả các điểm tham quan di tích có mức giá 580.000 đồng/vé sẽ chấm dứt phát hành do khai thác không hiệu quả. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong 2 năm 2020-2021, tổng số vé bán ra của loại vé gộp này chỉ được 948 vé, doanh thu 540 triệu đồng là quá ít so với tổng mức thu vé tham quan từ di sản Huế. Nguyên nhân được xác định là do du khách không có nhiều thời gian lưu trú ở Huế, trong khi nếu sử dụng loại vé gộp tất cả các điểm này thì cần ít nhất 3 ngày mới tham quan hết các điểm di tích.
Đối với mức thu vé dành cho trẻ em từ 7 đến 12 tuổi, gần như giữ nguyên mức phí đang áp dụng hiện hành; các tuyến 2 điểm sẽ giữ nguyên mức phí của 1 điểm hiện hành (tức 30.000 đồng/vé), các tuyến 3 điểm mới áp dụng mức phí tương đồng của tuyến 3 điểm hiện hành, tức 80.000 đồng/vé, tuyến 4 điểm có mức phí như cũ là 100.000 đồng/vé. Các loại vé gộp theo tuyến tham quan có thời hạn sử dụng tối đa 2 ngày kể từ ngày mua vé.
Hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng áp dụng chính sách miễn, giảm phí tham quan di tích Huế theo các quy định tại Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND, như: miễn phí tham quan trong 3 ngày Tết Nguyên Đán; miễn phí tham quan cho công dân Việt Nam trong các ngày kỷ niệm Giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3), ngày lễ Quốc khánh (2/9); miễn phí tham quan cho người khuyết tật nặng, cho trẻ em dưới 7 tuổi; cho học sinh các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tham quan ngoại khóa hàng năm; miễn, giảm phí cho các đoàn khảo sát, báo chí truyền thông đến tác nghiệp, quảng bá di sản Huế và du lịch địa phương (có đăng ký với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế); và thực hiện miễn, giảm phí tham quan các trường hợp đột xuất, đặc thù do UBND tỉnh quyết định…
Tại kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế chiều ngày 26/10, nhiều đại biểu cũng thảo luận và đề nghị HĐND tỉnh mở rộng đối tượng miễn, giảm phí khi tham quan di tích, đặc biệt là trẻ em và người dân địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời gian qua, đã có rất nhiều chương trình tham quan ngoại khóa và giáo dục di sản dành cho học sinh và đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận ý kiến của các địa biểu, và cho biết trong giai đoạn tiếp tiếp theo sẽ có những phương án điều chỉnh phù hợp hơn.
Trong năm 2022, khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát cùng với thực hiện chính sách mở cửa linh hoạt trong hoạt động du lịch, lượng khách đến tham quan di sản Huế tăng cao so với dự kiến ban đầu. Tính đến tháng 9/2022, tổng khách đến di tích Huế đạt hơn 1 triệu lượt khách (tăng hơn 390% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó khách quốc tế đạt hơn 50.000 lượt; doanh thu từ bán vé tham quan đạt hơn 140 tỷ đồng. Theo dự tính, đến hết năm 2022, tổng lượng khách khoảng 1.150.000 lượt và doanh thu khoảng 170 tỷ đồng.
Thùy An