Lâm Đồng: Tổ chức Triển lãm cổ vật Hoàng thành Thăng Long
Cập nhật: 06/12/2009
Bảo tàng Lâm Đồng sẽ phối hợp với Bảo tàng lịch sử Việt Nam tổ chức triển lãm hơn 15.000 hiện vật liên quan đến Hoàng thành Thăng Long, các bộ sưu tập gốm sứ, đá thời Lý, Trần... Cuộc triển lãm lớn này diễn ra tại Bảo tàng Đà Lạt từ ngày 15/1 đến 5/2/2009, với chủ đề chính là "Cổ vật Hoàng thành Thăng Long thời Lý Trần".

Tọa lạc trên một ngọn đồi rộng 3ha, với thảm cỏ xanh mượt xen lẫn những cây thông cổ thụ, khuôn viên Bảo tàng Đà Lạt nguyên là dinh thự của ông Nguyễn Hữu Hào, thân phụ Nam Phương hoàng hậu - vợ vua Bảo Đại. Bảo tàng Lâm Đồng hiện có trên 15 nghìn hiện vật có giá trị văn hóa và khảo cứu từ thời tiền sử đến nay. Cả những văn bản pháp lý đầu tiên kể từ khi bác sĩ YerSin tìm ra cao nguyên LangBiang vào cuối thế kỷ 19.

Nổi bật là các di tích khảo cổ thời tiền sử như: di tích thời Phù Mỹ, dụng cụ bằng đá; di tích khảo cổ học Cát Tiên với bộ sưu tập gạch đá hoa văn. Đặc biệt có những sưu tập về đàn đá - loại nhạc cụ cổ xưa từ thời tiền sử; bộ vật thờ Linga-Yoni bằng đá; các tượng thần đạo Bà La Môn giáo; hiện vật kim loại màu vàng có khắc tượng các nam thần, nữ thần; chữ viết cổ của các chủ nhân di tích Cát Tiên.

Ở đây còn có hẳn một góc trưng bày di chỉ mộ táng Đại Làng, khai quật năm 1983, là khu di tích mộ táng lớn nhất, đầu tiên được phát hiện tại Lâm Đồng. Hiện vật trong mộ táng rất phong phú với nhiều chất liệu khác nhau. Về đồ sắt có các loại như: xà gạt, xà bách, kiếm, liềm, lao…; đồ đồng có vòng, nhẫn, khuyên tai…; cùng nhiều kiểu hạt cườm với kích thước, màu sắc khác nhau.

Vùng Nam Tây Nguyên là nơi cư trú của các tộc người như: Mạ, Kho, Chu ru nên văn hóa dân tộc ít người thể hiện sinh động qua những di tích có ở Bảo tàng Đà Lạt: công cụ sản xuất, trang phục và những trang sức truyền thống. Góc trưng bày chóe cổ, bộ sưu tập gùi hay nhạc cụ truyền thống như: cồng, chiêng, khèn...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch