Vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình họp bàn kế hoạch tổ chức Lễ hội Cố đô Hoa Lư năm 2010. Đồng chí Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Lễ hội Cố đô Hoa Lư năm 2010 có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ là tuyên truyền, giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhân kỷ niệm 1.042 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế mà còn là lễ hội chào mừng kỷ niệm và hướng về 1.000 năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội. Do đó lễ hội sẽ được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh với những nội dung phong phú, thiết thực nhằm làm nổi bật tiềm năng, đặc biệt ưu tiên những hoạt động văn hoá, nghệ thuật mang đậm bản sắc truyền thống của vùng đất Cố đô Hoa Lư nói riêng và những nét độc đáo của mảnh đất và con người Ninh Bình nói chung.
Tại hội nghị, đại biểu đại diện các sở, ngành đã phát biểu ý kiến đóng góp để xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội Cố đô Hoa Lư năm 2010 về: thời gian tổ chức; chương trình chính của lễ hội; các nội dung chương trình nên có những đổi mới, sáng tạo để tạo điểm nhấn cho lễ hội hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội… Trong đó, nhiều ý kiến thống nhất chương trình sân khấu hoá nên tập trung vào 3 nội dung: diễn tích cờ lau tập trận, dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất giang sơn và lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế của Đinh Bộ Lĩnh.
Về các nội dung của lễ hội: có ý kiến đề nghị tổ chức hội chợ nên tập trung vào hội chợ làng nghề truyền thống để giới thiệu các sản phẩm làng nghề địa phương; lễ rước kiệu có sự tham gia, phối hợp của các huyện, tỉnh bạn để tạo nên văn hoá vùng, mang tính xã hội hoá; đưa nội dung đua thuyền rồng vào những ngày lễ hội; các hoạt động văn hoá, thể thao khác như: thi mâm ngũ quả tiến vua, thi thư pháp, vật dân tộc, cờ người… vẫn được duy trì tại Lễ hội Cố đô Hoa Lư năm 2010.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Hữu Bình nhấn mạnh: Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của một số sở, ngành, đơn vị dự hội nghị, đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu, chủ trì việc xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức lễ hội Cố đô Hoa Lư năm 2010 trình UBND tỉnh xem xét.
Bên cạnh đó, để đảm bảo việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội đúng thời gian, nội dung chương trình sát thực, phong phú, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh cần tổ chức hội nghị phối hợp với các đơn vị, địa phương để bàn phương án tổ chức lễ rước kiệu, đua thuyền, các hoạt động văn hoá, thể thao khác… tạo nên văn hoá vùng, miền đặc sắc trong lễ hội, mang tính xã hội hoá cao của Lễ hội Cố đô Hoa Lư.