Giờ đây, Lễ hội Gò Tháp đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của xứ sở Đất sen hồng. Lễ hội đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân khắp nơi. Để rồi khi trở lại với cuộc sống hằng ngày, bà con lại nhớ về Gò Tháp, nhớ về những mùa lễ hội đậm chất dân gian.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng lễ vật viếng Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều. (Ảnh: Hữu Nghĩa)
10 năm qua, kể từ khi Khu di tích Gò Tháp được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, cũng là ngần ấy năm, mọi người biết nhiều về Gò Tháp, về vùng đất Tháp Mười.
Sức lan tỏa ngày càng rộng
Trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân, chị Lê Thị Thúy Phương, đến từ huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ cho biết: “Lễ hội Gò Tháp mang đến cho tôi nhiều ký ức đẹp. Tôi và những người thân trong gia đình về nhà vẫn còn nhớ mãi. Nơi đây ngày một đẹp hơn, mới mẻ hơn, nhưng lễ hội vẫn có nhiều trò chơi mà hồi nhỏ tôi và mấy đứa bạn trong xóm vẫn hay chơi, rồi còn nhiều hoạt động tạo cho người dân chúng tôi dễ tham gia”.
Hằng năm, tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp có 2 kỳ lễ hội truyền thống được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, gồm: Lễ Vía Bà Chúa Xứ (dịp Rằm tháng 3) và Lễ tưởng nhớ ngày giỗ 2 vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (dịp Rằm tháng 11, từ ngày 14-16/11).
Đã từ rất lâu, ngày tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Gò Tháp đã trở thành lễ hội văn hóa truyền thống, có sức lan tỏa ngày càng rộng và đã trở thành lễ hội độc đáo của khu vực mang tính cộng đồng cao, là một di sản văn hóa quý giá của dân tộc.
Đây là dịp để chúng ta tưởng nhớ, ghi sâu ơn nghĩa và lòng tự hào với sự hy sinh “xả thân cứu đời”, cứu nước của hai Anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.
Khách hành hương tại Lễ hội Gò Tháp. (Ảnh: Hữu Nghĩa)
Trong 10 năm qua, Lễ hội Gò Tháp từng bước được nâng tầm, mở rộng quy mô. Lễ hội Gò Tháp đã trở thành nét văn hóa đẹp của người dân Đồng Tháp, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân với các vị anh hùng dân tộc, tri ân người mẹ xứ sở.
“Lễ hội năm nay được đổi mới cả về nội dung và hình thức nhằm tiếp tục giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của ông cha ta, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp mong muốn qua hình ảnh của hai vị anh hùng để giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân Đồng Tháp và giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam về tinh thần kiên trung bất khuất, đoàn kết một lòng bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Lễ giỗ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Gò Tháp đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia để từng bước nâng tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý báu này.
Hội tụ nhiều giá trị to lớn về văn hóa
Khu di tích Gò Tháp có diện tích 289ha, tọa lạc ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây được xem là nơi hội tụ của nhiều giá trị to lớn về văn hóa, khảo cổ và lịch sử xa xưa nhất của “vùng Đất sen hồng”, gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử Nam bộ trong tiến trình phát triển chung của lịch sử Việt Nam.
Về khảo cổ học, theo kết quả điều tra, khảo sát, thăm dò và khai quật tại Khu di tích Gò Tháp từ sau năm 1975 đến nay, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng chục di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng
Cụ thể như: Đền thần, ao thần, giếng thần, đường đi cùng nhiều di tích cư trú, xưởng chế tác… và nhiều bộ sưu tập hiện vật độc đáo như: sưu tập tượng thần Hindu giáo (trong đó có 2 tượng thần Vishnu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia), sưu tập tượng Phật gỗ và đặc biệt là bộ sưu tập hơn 400 hiện vật vàng,…
Các kết quả nghiên cứu khảo cổ về di tích và di vật khảo cổ ở Gò Tháp đã chứng minh Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp được các nhà khảo cổ học xác định là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng thời văn hóa Óc Eo và là thủ phủ của một tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam bộ.
Về lịch sử, Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp từng là “Đại bản doanh” của hai Anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược những năm 1862-1866.
Sau năm 1945, Gò Tháp được Xứ ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ chọn làm căn cứ kháng chiến trong giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1949.Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Gò Tháp còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt đánh sập Tháp Mười Tầng (Viễn vọng đài) của chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 4/1/1960 của Tiểu đoàn 502 tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp).
Về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, hằng năm, nơi đây diễn ra hai kỳ lễ hội truyền thống: lễ Vía Bà Chúa Xứ (vào Rằm tháng 3 âm lịch) và Lễ kỷ niệm ngày mất của hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (vào Rằm tháng 11 âm lịch). Mỗi kỳ lễ hội thu hút hàng trăm nghìn du khách thập phương về tham dự.
Với những giá trị đặc biệt đó, ngày 27/9/2012, Khu di tích Gò Tháp được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Đến nay, Khu di tích Gò Tháp là di tích duy nhất của tỉnh, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Giám đốc Khu di tích Gò Tháp Trần Chí Cường cho biết, trong 10 năm qua, Khu di tích Gò Tháp luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương để trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Gò Tháp khang trang như hiện nay, đồng thời, từng bước đưa Khu di tích Gò Tháp trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh.
Bên cạnh thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp, công tác thăm dò, khai quật khảo cổ cũng được đẩy mạnh thực hiện.
Trong thời gian qua, đã thực hiện hơn 10 cuộc khai quật, kết quả đã phát hiện nhiều di tích như đền thần, ao thần, đường đi, xưởng chế tác…và nhiều hiện vật có giá trị, cụ thể: 70 hiện vật vàng (đồ trang sức, nhẫn, vàng lá…), tượng Phật gỗ, linga và yoni, xúc xắc, quân cờ,… đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề khoa học liên quan đến di sản văn hóa Óc Eo ở Khu di tích Gò Tháp.
Các kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ đã chứng minh được di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp là nơi lưu giữ dày đặc và gần như nguyên vẹn các di sản của nền văn hóa Óc Eo. Kết quả đó còn là cơ sở, là tiền đề để xây dựng hồ sơ khoa học vinh danh quần thể di tích văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp là di sản văn hóa thế giới.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai thực hiện hạng mục Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo tại Gò Tháp để trưng bày hình ảnh và hiện vật về hoạt động của Xứ ủy và Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam bộ ở Gò Tháp (giai đoạn năm 1946-1949) và di sản văn hóa Óc Eo tại Gò Tháp phục vụ khách tham quan, nghiên cứu, công trình do Ban Quản lý dự án tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 55 tỷ đồng, hiện đang xây dựng và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Hữu Nghĩa