Hà Nội có hơn 130 khu, điểm du lịch, trong đó có 28 khu, điểm đã được thành phố công nhận là khu, điểm du lịch. Tuy nhiên, đến nay, các khu, điểm du lịch còn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút du khách. Để tăng tính liên kết giữa các khu, điểm du lịch với đơn vị lữ hành nhằm thu hút du khách, sáng 13-12, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tọa đàm “Kết nối các khu, điểm du lịch và doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022” tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hội nghị kết nối khu, điểm du lịch của Hà Nội.
Lợi thế điểm du lịch chất lượng
Theo Sở Du lịch Hà Nội, Hà Nội có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, giá trị đặc biệt, được khai thác thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc mang thương hiệu của Du lịch Thủ đô. Đến nay, Hà Nội đã công nhận 28 khu, điểm du lịch cấp thành phố, trong đó có nhiều điểm đã xây dựng được sản phẩm hấp dẫn, thu hút nhiều khách tham quan trải nhiệm như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, di sản Hoàng thành Thăng Long có sản phẩm tour đêm; các điểm du lịch ngoại như Khu du lịch Hạ Mỗ (Đan Phượng), làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (Thường Tín) phát triển du lịch nông nghiệp. Nhiều địa phương đang nỗ lực đầu tư hạ tầng, hình thành nhiều điểm du lịch đạt chuẩn về chất lượng phục vụ, cơ sở vật chất bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu đánh giá, số lượng lớn các điểm đến, các cơ sở dịch vụ trên địa bàn có chất lượng tốt phục vụ du khách. Nhiều đơn vị điểm đến tích cực, chủ động cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, đưa ra các sản phẩm mới, khai thác các thế mạnh của Thủ đô như du lịch văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng...
Tuy nhiên, hiện nay nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn còn loay hoay trong việc thu hút khách du lịch. Đặc biệt, trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn khu, điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội lâm vào cảnh không có khách. Sau dịch Covid-19, mặc dù đã có nhiều kế hoạch kích cầu, song nhiều điểm du lịch của Hà Nội chưa tạo được điểm nhấn cho sản phẩm du lịch của Thủ đô.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, việc khai thác còn rời rạc, chỉ vài điểm truyền thống tại một số quận nội thành như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa nên chưa ra được tổng thể các tour du lịch mang tính bài bản tại các điểm du lịch Hà Nội. Giám đốc Công ty du lịch Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến cho rằng, bức tranh du lịch Hà Nội đã có tổng thể, nhưng thiếu quy hoạch cụ thể, thiếu cơ chế cho các đơn vị khai thác nên nhiều điểm du lịch có sản phẩm tốt nhưng du khách chưa đến. “Chúng ta đang có tất cả, chỉ thiếu khách. Đó là sự lãng phí”, ông Chiến bày tỏ.
Gỡ khó cho các khu, điểm du lịch
Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp, hành động để khai thác giá trị các điểm đến, trong đó các đơn vị đánh giá cao vai trò của lữ hành trong việc liên kết các điểm du lịch Hà Nội, tăng lượng khách cho các điểm đến.
Để khai thác tiềm năng điểm đến còn đang bỏ phí hiện nay, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, cần xây dựng các trục du lịch chính cho Hà Nội. Trước mắt, có thể phân định 3 không gian du lịch theo 3 trục lớn: Từ trung tâm Hà Nội - Ba Vì - Sơn Tây; nội thành Hà Nội - Đông Anh - Sóc Sơn; tuyến nội thành - Mỹ Đức (chùa Hương)… Các tuyến du lịch này như kiềng 3 chân để các đơn vị lữ hành khai thác, có thể xây dựng các sản phẩm khác nhau: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch học đường, nghỉ dưỡng, cộng đồng…
“Ngoài ra, các đơn vị điểm đến cần có sự liên kết với đơn vị lữ hành để xây dựng nên những sản phẩm du lịch khác nhau. Để làm điều đó, các đơn vị cần sử dụng các dịch vụ mới, áp dụng công nghệ 4.0 như sử dụng vé điện tử để doanh nghiệp dễ xây dựng tour”, ông Phùng Quang Thắng gợi ý.
Còn theo Giám đốc Công ty du lịch Thế Anh Nguyễn Gia Thế, cần có sự chung tay từ cơ quan quản lý, đơn vị lữ hành, điểm đến. Với tiềm năng sẵn có, trước mắt có thể làm các chương trình 2 ngày 1 đêm kết nối các điểm kết nối các điểm du lịch mới của Hà Nội, điển hình như: Điểm du lịch Dương Xá – Bát Tràng – Ecopark… hoặc kết nối các điểm: Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam – chùa Thầy, chùa Tây Phương – xem biểu diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”…
Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trung Hiếu cho biết, Sở tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng. “Các đơn vị cần thay đổi cách làm, từ việc chỉ đưa khách tham quan những điểm đến quen thuộc, các đơn vị nên quảng bá, giới thiệu những điểm đến mới, xây dựng được các sản phẩm thực sự hấp dẫn, cạnh tranh, mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của Hà Nội. Sản phẩm tour mới phải "kể" những câu chuyện để du khách cảm nhận được sự gần gũi của thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội”, ông Trần Trung Hiếu gợi ý.
Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhưng vẫn gặp không ít khó khăn trong thu hút du khách.
Hà Nội đang đặt các mục tiêu lớn, đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế), đóng góp vào GRDP thành phố đạt trên 8%. Hà Nội cũng từng bước phấn đấu nằm trong nhóm thành phố có ngành Du lịch chuyên nghiệp, phát triển có thương hiệu, sản phẩm uy tín, có các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới. Để làm được điều này, Hà Nội cần phát huy tốt hơn nữa tiềm năng các điểm đến trên địa bàn, tạo được nhiều tour, tuyến hấp dẫn cả khách nội địa và quốc tế.
Hoàng Lân