Độc đáo sông Thom ở tỉnh Bến Tre
Cập nhật: 14/12/2022
Sông Thom là một trong những con sông nổi tiếng của tỉnh Bến Tre được người Pháp cho đào cách đây hơn một thế kỷ. Chiều dài chỉ hơn 15km nhưng sông có vai trò rất đặc biệt khi rút ngắn khoảng cách di chuyển bằng đường thủy giữa Bến Tre với các tỉnh lân cận. Đây cũng là nơi có chợ nổi dừa độc nhất ở miền Tây, buôn bán nhộn nhịp suốt mấy chục năm qua.

Một đoạn sông Thom chảy qua địa bàn huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre).

Dòng sông lịch sử

Theo tài liệu được ghi lại, kênh Mỏ Cày - Thom (người dân quen gọi sông Thom) được đào vào năm 1905 với chiều dài 15,1km. Nhờ đó, con đường vận chuyển hàng hóa từ Mỹ Tho, Trà Vinh xuyên qua thị xã Bến Tre, Mỏ Cày trở nên thuận tiện hơn. Con sông có tác dụng mở rộng lưu thông nội địa và phát triển nông nghiệp nhưng mục đích ban đầu của việc đào kênh là để người Pháp vơ vét thật nhiều lúa gạo và nông sản cho xuất khẩu. Theo nhiều người dân tại đây kể lại, từ Thom có nguồn gốc tiếng Khmer có nghĩa là lớn. Sau khi đào kênh Thom, đồng ruộng được tháo chua, rửa phèn nên nơi đây trở thành vùng đất trù phú và giao thương cũng phát triển. Hơn một thế kỷ qua, con kênh này được nhiều lần nạo vét nên rộng hơn gấp đôi so lúc sơ khai nên nhiều người quen gọi là sông Thom.

Trong kháng chiến chống Mỹ, sông Thom còn là điểm giao liên, đường vận chuyển vũ khí của quân ta. Cựu chiến binh Trần Văn Rừng, 74 tuổi cho biết: “Tôi nhiều lần cùng đồng đội vác vũ khí từ tàu không số tại huyện Thạnh Phú qua Mỏ Cày rồi vượt sông Thom để lên huyện Chợ Lách. Từ đây vũ khí được chuyển cho các tỉnh miền Tây phục vụ kháng chiến. Nơi đây, có nhiều căn nhà dọc bờ sông được bố trí hầm trú ẩn để lực lượng của quân và dân ta túc trực đưa bộ đội vượt sông đánh đồn, vận chuyển vũ khí”. Dù chiến tranh ác liệt nhưng con sông vẫn là nơi buôn sầm uất nhất vùng do vị trí thuận lợi cả đường thủy và đường bộ. Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, khu vực dọc bờ sông Thom thuộc xã An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam) và Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) tiếp tục phát triển với nhiều vựa gạo, vựa dừa mọc lên hai bên bờ sông. Ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây tấp nập về đây mua bán.

Các vựa dừa hai bên bờ sông.

Chợ nổi dừa duy nhất miền Tây

Từ những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, tại khu vực chợ Thom đã hình thành nơi trung chuyển, mua bán gạo. Riêng mặt hàng dừa, năm 1986 một người dân đưa máy tuốt chỉ xơ dừa về ấp Vĩnh Khánh (cạnh sông Thom thuộc xã An Thạnh) để mở cơ sở thu mua dừa, sản xuất chỉ xơ dừa. Sau đó, nghề này tiếp tục phát triển và mở rộng sang các xã dọc sông Thom như: Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), Thành Thới B, Tân Hội, Đa Phước Hội (Mỏ Cày Nam)... Ông Phạm Văn Minh (ngụ ấp Vĩnh Khánh, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam) là người dân sống nhiều đời tại vùng đất này cho biết: “Chợ nổi dừa có từ mấy chục năm trước tại khu vực này. Thương lái thu mua dừa không chỉ là người địa phương mà còn đến từ các tỉnh như: Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang... vận chuyển bằng đường thủy đến đây bán cho các cơ sở dọc hai bên bờ sông. Quả dừa khô được đưa lên bờ bắt đầu công đoạn sản xuất cơm, chỉ xơ dừa. Hầu hết các cơ sở đều có xe tải để chuyển hàng bằng đường bộ đến các nhà máy sản xuất cơm dừa, thạch dừa. Một số khác đầu tư máy móc để sơ chế cơm dừa, ép dầu dừa, tách mụn dừa…”.

Đứng trên cầu Thom, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến rất nhiều ghe đồ về đây buôn bán một mặt hàng duy nhất là quả dừa. Thương lái mua bán, trao đổi dừa ngay trên sông rồi chuyển lên các vựa dọc hai bên bờ để sơ chế. Xa xa hai bên bờ là những dãy nhà là nơi vựa dừa có nhiều nhân công đang chuyển dừa lên bờ, lột vỏ hay đưa vào máy để tách chỉ xơ dừa. Ông Nguyễn Văn Tài, chủ chiếc ghe chở đầy dừa từ tỉnh Vĩnh Long sang đây cho biết: “Hơn chục năm nay, tôi thu mua dừa khắp nơi để chở về đây bán cho các vựa dừa. Nơi đây có nhiều cơ sở sơ chế để vận chuyển đến các nhà máy chế biến nên là nơi tiêu thụ sản phẩm của nông dân cả vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Chợ nổi dừa hoạt động nhộn nhịp đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với nhiều công việc như: lột dừa, gọt cơm dừa, phơi chỉ xơ dừa... Ông Nguyễn Văn Chín, 46 tuổi nhưng có thâm niên hơn 30 năm làm thuê tại chợ nổi dừa cho biết: “Ở đây phụ nữ hay đàn ông đều có công việc tính theo sản phẩm phù hợp với sức mình cho thu nhập từ 150 nghìn đến 300 nhìn đồng mỗi ngày. Công việc rất vất vả nhưng được cái có công việc thường xuyên để nuôi sống gia đình”. Ông Chín là thế hệ thứ hai làm nhân công cho các cơ sở dọc hai bên bờ sông Thom. Cứ như vậy, hết thế hệ này đến thế hệ khác tiếp nối giúp nghề mua bán, sơ chế dừa tại đây ngày một phát triển.

Hai làng nghề ven sông Thom (xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam và xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc) đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động tại chỗ và các địa phương lân cận. Năm 2006, làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam) và Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) được UBND tỉnh Bến Tre công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp và đến năm 2008 được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là làng nghề tiêu biểu. Hiện tại khu vực làng nghề An Thạnh có 5 công ty, 22 cơ sở còn làng nghề xã Khánh Thạnh Tân hiện nay còn có 22 cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa, 5 cơ sở dệt thảm xơ dừa, một công ty sản xuất mỹ phẩm và tranh dừa. Thị trường tiêu thụ gần đây không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc... Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thạnh Tân Đặng Văn Thịnh cho biết: “Làng nghề dọc sông Thom có từ lâu đời cùng với sự phát triển chợ nổi dừa. Hiện tại làng nghề giải quyết cho hơn 500 lao động trong và ngoài xã. Tại làng nghề có một đơn vị sản xuất sản phẩm xà bông dừa và tranh dừa đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao”.

Giữ gìn, phát triển trung tâm dừa của tỉnh Bến Tre

Trong thời gian gần đây có nhiều công ty du lịch, lữ hành đã mở tour đến tham quan chợ nổi dừa trên sông Thom. Hiện tại, du khách có thể chọn đi đường thủy bằng tàu du lịch từ thành phố Bến Tre ra sông Hàm Luông rồi vào sông Thom để tham quan chợ nổi dừa mất khoảng hơn một giờ tàu chạy. Ngoài ra, nếu đi đường bộ đến thị trấn Mỏ Cày rồi xuống tàu du lịch chạy dọc sông Thom để ngắm cảnh sẽ đỡ tốn thời gian hơn. Điều đặc biệt ở tour chuyên đề này là du khách sẽ tham quan, khám phá nét đặc trưng riêng của Bến Tre với sản phẩm du lịch từ dừa như: xem buôn bán dừa trên sông, xem sản xuất chỉ xơ dừa, sản xuất thủ công mỹ nghệ từ dừa, tản bộ trong vườn dừa, thưởng thức các món ăn từ dừa... Ông Võ Thanh Sơn, Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre cho biết: “Các tỉnh miền Tây du lịch sinh thái miệt vườn khá giống nhau do địa hình, điều kiện thiên nhiên tương đồng. Để tạo sự khác biệt, đa dạng các loại hình du lịch, tỉnh đang hướng tới xây dựng thương hiệu “Du lịch sinh thái xứ dừa” lấy cây dừa làm trung tâm. Trong đó các tỉnh trong khu vực có nhiều chợ nổi như: chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)... bán nhiều mặt hàng nông sản nhưng chỉ duy nhất chợ nổi bán dừa ở dòng sông Thom tại Bến Tre. Đây là khác biệt để thu hút khách du lịch đến với Bến Tre, tham quan chợ nổi dừa độc đáo trên sông Thom”.

Hiện tỉnh Bến Tre chuẩn bị thực hiện đề án “Làng dừa huyện Mỏ Cày Nam” để thu hút các dự án đầu tư với diện tích hơn 350ha. Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Võ Văn Út cho biết: Đề án đã được HĐND tỉnh Bến Tre thông qua và đang thực hiện kêu gọi đầu tư. Mục tiêu của đề án là góp phần đưa khu vực này trở thành trung tâm dừa của tỉnh, giữ gìn tinh hoa nghề dừa kết hợp phát triển du lịch, thương mại và đô thị. Đồng thời, định hướng các không gian chức năng phát triển và làm cơ sở cho các quy hoạch ngành và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển nhanh, bền vững của địa phương.

Bài và ảnh: Hoàng Trung

 

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 13/12/2022