Con người xuất hiện ở vùng đất Thái Nguyên ngay từ thời tiền sử. Các cứ liệu khoa học thu được từ các cuộc khai quật, nghiên cứu tại khu di tích Khảo cổ học thời đại đồ đá cũ ở xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên...
Với 2 di chỉ quan trọng nhất là hang Phiêng Tung và Mái Đá Ngườm đã chứng tỏ cư dân của "Kỹ nghệ Ngườm"- chủ nhân nền văn hoá Thần Sa đã xuất hiện từ hậu kỳ đá cũ ( 40.000 năm đến 23.000 năm cách ngày nay).
Thời các vua Hùng dựng nước, nước Văn Lang chia thành 15 bộ, Thái Nguyên thuộc bộ Vũ Định. Thời An Dương Vương, Thái Nguyên thuộc đất Âu Lạc. Vùng đất Thái Nguyên biến đổi qua bao thăng trầm của lịch sử từ thời thuộc Hán, thuộc Đường đến thời Lý, Trần, Lê cho đến thời Nguyễn: Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi xứ Thái Nguyên thành trấn Thái Nguyên. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi trấn thành tỉnh Thái Nguyên gồm cả vùng đất Bắc Kạn. Địa danh Thái Nguyên vẫn trường tồn cùng đất nước.
Năm 1900 chính quyền bảo hộ Pháp chia Thái Nguyên thành 2 tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn. Năm 1965 Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà quyết định sát nhập 2 tỉnh thành Bắc Thái. Từ 01/01/1997, theo Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tỉnh Bắc Thái lại tách ra thành 2 tỉnh: Bắc Kạn và Thái Nguyên.
Vài dòng về diên cách Thái Nguyên, những mong giúp chúng ta hiểu hơn về một vùng đất, một vùng quê của non sông gấm vóc Việt Nam.