Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng ở Lai Châu
Cập nhật: 13/02/2023
Lai Châu là một trong những địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa đặc trưng của 20 dân tộc cùng sinh sống. Nhiều du khách khi đến Lai Châu đều cho rằng đây xứng đáng là điểm đến mới về DLCĐ gắn với du lịch sinh thái. Để ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, Lai Châu đã, đang xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp phát triển DLCĐ.

Tiềm năng du lịch cộng đồng

Về nguồn tài nguyên tự nhiên, Lai Châu là vùng đất được biết đến bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ với quần thể danh thắng động Pusamcap, động Tiên Sơn, động Gia Khâu, thác Tác Tình, cảnh quan dọc Sông Đà, quần thể sinh thái khu vực đỉnh Putaleng cao 3.049m, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cao 3.045m; cao nguyên Sìn Hồ với độ cao 1.500m; suối khoáng nóng Vàng Pó; Nà Đom; vườn quốc gia Hoàng Liên và các hồ thủy điện Lai Châu, Bản Chát, Huổi Quảng…

Lai Châu còn là nơi sinh sống của 20 dân tộc, mỗi dân tộc lại có những bản sắc văn hóa riêng với 32 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; có nhiều lễ hội truyền thống như: Then Kin Pang, Kin Lẩu Khẩu Mẩu, Nàng Han, Gầu Tào, Tú Tỉ...; phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà đến những làn điệu dân ca, dân vũ...; nghề truyền thống như: miến dong (Bình Lư - Tam Đường); dệt may của dân tộc Lự (Bản Hon - Tam Đường); đan lát của dân tộc Dao (bản Sì Thâu Chải - Tam Đường); nấu rượu (bản Gia Khâu - thành phố Lai Châu) và nhiều phiên chợ vùng cao như: chợ phiên San Thàng; chợ phiên Sìn Hồ; Dào San...

Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) được xem là điểm đến hấp dẫn khi sở hữu độ cao 1.400m so với mực nước biển và còn lưu giữ nhiều nét văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Dao.

Ngoài ra, Lai Châu còn là nơi có khí hậu quanh năm mát mẻ với nhiệt độ không khí trung bình năm là 19,6 độ C. Có vùng có độ cao trên 1.000m như khu vực cao nguyên Sìn Hồ, Dào San, Sin Suối Hồ, Hồ Thầu... khí hậu mát lạnh quanh năm rất thích hợp phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với nghỉ dưỡng.

Những tia hy vọng

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã quan tâm, chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực để đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ DLCĐ. Đến nay, Lai Châu đã có 11 điểm DLCĐ cấp tỉnh. Các điểm sau khi được công nhận đi vào hoạt động đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch. Người dân đã chủ động đầu tư xây dựng các homestay, thành lập các đội biểu diễn văn nghệ, cung ứng sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, thổ cẩm, dịch vụ ẩm thực… phục vụ du khách. Một số bản DLCĐ đã từng bước khẳng định thương hiệu, trong đó không thể không nhắc đến địa danh Sin Suối Hồ. Nơi đây được bình chọn là 1 trong 4 làng DLCĐ tiêu biểu toàn quốc năm 2019 với doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, vừa qua, bản Sin Suối Hồ đã được tôn vinh trở thành bản DLCD ASean 2023. Ngoài ra còn phải nhắc đến các bản: Sì Thâu Chải, Lao Chải, Bản Thẳm…

Bên cạnh đó, chính quyền và ngành Du lịch Lai Châu xây dựng, tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn; không ngừng cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng; chú trọng nâng cao nhận thức về du lịch trong Nhân dân cũng như chính quyền. Theo số liệu tổng hợp từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), giai đoạn 2015-2020, du lịch Lai Châu đã có bước tăng trưởng tích cực, với mức tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 13%/năm. Năm 2022, sau khi Chính phủ chủ trương mở cửa du lịch toàn diện để phát triển kinh tế sau 2 năm “đóng băng” bởi đại dịch Covid-19, tổng lượt khách du lịch đến Lai Châu đạt 762.000 lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu du lịch ước đạt 555,295 tỷ đồng.

Để du lịch cộng đồng là một nghề mới

Sản phẩm DLCĐ của Lai Châu vẫn chưa thật sự có chiều sâu, chưa chuyên nghiệp, phần lớn sản phẩm DLCĐ mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản… Nhưng theo đồng chí Trần Quang Kháng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL, trong kế hoạch dài hơi, tỉnh đã có nhiều giải pháp để DLCĐ trở thành một “nghề mới” cho đồng bào. Theo đó sẽ chỉ đạo các địa phương chú trọng phát huy mô hình DLCĐ có sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà”. Trong đó, Nhà nước định hướng và xây dựng chính sách quản lý phát triển du lịch cho toàn vùng, chính quyền địa phương phối hợp, hướng dẫn, tuyên truyền và hỗ trợ điểm du lịch giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tài nguyên thiên thiên, môi trường… Hộ gia đình tham gia làm du lịch đều có quyền lợi và nghĩa vụ bảo tồn giá trị thiên nhiên - văn hoá dân tộc. Sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành với vai trò kết nối xây dựng các chương trình tour, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, giới thiệu rộng rãi loại hình DLCĐ đến du khách, góp ý để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ của các điểm đến… Chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Các nhà tư vấn tích cực tư vấn cho người dân các biện pháp phát triển DLCĐ gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Bên cạnh đó, mỗi điểm DLCĐ cần phải xây dựng các ban quản lý, ngoài thực hiện quản lý còn thực hiện công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DLCĐ tại địa phương. Thực tế hầu hết đội ngũ lao động tham gia vào hoạt động phục vụ khách tại các điểm DLCĐ trên địa bàn tỉnh đều chưa được đào tạo bài bản, kinh doanh tự phát, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, kiến thức trong nghề ít, ngại va chạm, chỉ là sự nhiệt tình và hiếu khách, để phát triển bền vững cần phải đầu tư cho yếu tố con người. Vì vậy, giai đoạn tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch địa phương thông qua các các khóa tập huấn nghiệp vụ như: kỹ năng giao tiếp, poster, homestay, hướng dẫn viên du lịch tại điểm…

Từng bước thay thế các ấn phẩm quảng bá du lịch truyền thống (tờ rơi, tập gấp, cẩm nang, sách ảnh, bản đồ…) bằng các ấn phẩm điện tử thông qua việc tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet. Trong đó tập trung quảng bá điểm đến địa phương trên các trang mạng xã hội: facebook, youtube, zalo, twitter, instagram, hot fanpage (Amazing things in vietnam)...; nâng cao hiệu quả website du lịch, liên kết với website của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, các tỉnh tại khu vực và trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... đặt logo hoặc banner tạo đường dẫn kết nối về website du lịch của tỉnh nhằm tối ưu hóa việc chuyển tải thông tin điểm đến du lịch Lai Châu đến các thị trường du lịch trọng điểm trong nước.

Triển khai đồng bộ các giải pháp trên, chắc chắn Lai Châu sẽ sớm trở thành mô hình điểm về phát triển DLCĐ như mong muốn của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân cũng như toàn thể du khách thập phương.

T.Trang - K.Thoa

Báo Lai Châu - baolaichau.vn - Đăng ngày 10/02/2023