Tour du lịch văn học: Mở ra hướng đi mới (Hà Nội)
Cập nhật: 16/03/2023
Vừa làm du lịch vừa giới thiệu, lan tỏa những giá trị độc đáo, nhân văn của văn học nghệ thuật tới công chúng, đó là cách mà Bảo tàng Văn học Việt Nam đang phối hợp với Công ty Du lịch Bền vững Vietnam S.T.I.D thực hiện thông qua tour du lịch văn học “Chữ Tâm chữ Tài”. Mới ra đời hơn 3 tháng (từ ngày 18-12-2022), mô hình đã thực sự đem lại sự hứng khởi, “luồng gió mới” cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Khách du lịch trải nghiệm tour “Chữ Tâm chữ Tài” diễn ra tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (ngõ 275 Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ).

Cảm xúc thú vị, mới mẻ

Mang tâm trạng hứng khởi pha lẫn tò mò, tôi hòa vào dòng người đến trải nghiệm tour du lịch văn học mang tên “Chữ Tâm chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (ngõ 275 Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ). Thú vị hơn, tôi cũng cảm nhận được cả sự háo hức, hồi hộp của những vị khách đi bên cạnh mình. Phải chăng đây cũng là lý do khiến cho tour du lịch này dù mới ra đời nhưng đã thu hút lượng khách ổn định (khoảng 30 - 40 khách/tour), với đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Trong tour hôm ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với vợ chồng ông bà Nguyễn Minh Tuấn - Lê Phương Thảo (phường Phúc Lợi, quận Long Biên) khi hai người dắt tay nhau chăm chú lắng nghe thuyết minh.

Ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ: “Tôi nghe thông tin về tour du lịch về văn học này thì rất tò mò, không biết tour có những nội dung gì. Mặt khác, tôi cũng muốn tìm lại ký ức về văn chương. Hôm nay đến đây, được xem tận mắt, được hướng dẫn viên kể lại cho nghe thấy rất hay, rất thích”.

Chứng kiến các vị khách chăm chú theo dõi nội dung thuyết trình, hướng dẫn viên Hoàng Hương Lan cho hay: “Tour không chỉ thu hút người lớn mà các em nhỏ cũng rất háo hức. Thường thì các em nhỏ sẽ rất hiếu động, chỉ thích chơi và chưa chú tâm đọc sách cho lắm. Nhưng khi tham gia tour du lịch văn học này, các em rất trật tự, chú ý lắng nghe một cách nghiêm túc. Đặc biệt, trong không gian trải nghiệm còn có trò chơi giải ô chữ liên quan đến các tác phẩm và nhân vật văn học, các bạn nhỏ đều thích thú tham gia trả lời. Nhiều em nói rằng về nhà sẽ đọc sách nhiều hơn”.

Bản thân chị Lan làm hướng dẫn viên cho hoạt động du lịch trải nghiệm này cũng hết sức bỡ ngỡ và bất ngờ. Đến nay, sau vài tháng đồng hành, chị cảm nhận đó là một trải nghiệm rất thú vị. “Tôi có cơ hội học hỏi và biết được những câu chuyện sâu sắc đằng sau những tác phẩm văn chương. Làm việc tại Bảo tàng Văn học Việt Nam không chỉ khiến cho tôi được hiểu biết nhiều hơn mà còn khiến tôi thêm yêu văn học nước nhà. Cho đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định rằng, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã rất thành công trong việc xây dựng một tour du lịch mới lạ và độc đáo, được nhiều người biết đến” - chị Lan chia sẻ.

Đồng quan điểm, nhà thơ Lữ Mai, người tham gia làm MC trong Lễ khai mạc tour cho rằng, có nhiều đoàn khách là các em học sinh ở độ tuổi tiểu học, tuy chưa hiểu nhiều về văn học nước nhà nhưng các em tham gia rất nghiêm túc, chăm chú, không ngại đặt câu hỏi với hướng dẫn viên, nhà văn... Vào cuối tuần, có những gia đình nhiều thế hệ chọn tham gia "hành trình văn học" thay vì ở nhà hoặc chọn hình thức nghỉ ngơi giải trí khác. Những kỷ vật, tác phẩm một thời của thế hệ cha ông trong không gian thấm đẫm chất văn học này đã gây xúc động cho những thành viên lớn tuổi, mang đến trải nghiệm thú vị cho thế hệ trẻ, tạo nên những tình huống xúc động về sự kết nối, sẻ chia.

Cũng là một vị khách của tour, diễn viên Tố Uyên, người vào vai Thúy Kiều trong vở “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” của Nhà hát Kịch Hà Nội, cảm nhận rằng, tham dự tour là trải nghiệm thú vị. Nội dung trong tour hấp dẫn, lôi cuốn, chỉ kéo dài 90 phút nhưng đã giúp du khách được đắm chìm vào không gian văn hóa nghệ thuật đậm chất hoài niệm, được hiểu hơn về lịch sử phát triển văn học. Không chỉ vậy, du khách còn được tham gia các hoạt động xin chữ và vẽ tranh, ngâm thơ..., tất cả giúp tạo nên không khí văn học đa chiều, dễ cảm thụ.

Khách du lịch trải nghiệm tour “Chữ Tâm chữ Tài” diễn ra tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (ngõ 275 Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ).

Để Bảo tàng gần gũi hơn với du khách

Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam, đây là chương trình mở đầu cho nhiều chủ đề khác của tour du lịch mà Bảo tàng Văn học Việt Nam đang triển khai nhằm lan tỏa những giá trị độc đáo, nhân văn của văn học nghệ thuật.

“Bảo tàng Văn học Việt Nam được ví như “ngôi đền văn chương” với diện tích khoảng 3.000m2, là nơi trưng bày hơn 3.454 hiện vật tiêu biểu được chọn từ 55.000 hiện vật, là những di sản quý giá chứa đựng nhiều câu chuyện về các nhà văn, nhà thơ, tinh hoa của văn chương Việt Nam. Nhưng làm thế nào để giá trị văn hóa, văn học đó lan tỏa rộng rãi đến với công chúng theo một cách đặc biệt, khác với cách mà lâu nay những người yêu văn chương vẫn thể hiện là đến Bảo tàng ngắm nhìn hiện vật và nghe thuyết minh? Đó là điều trăn trở của đội ngũ vận hành Bảo tàng. Tour du lịch văn học ra đời đã giúp không gian Bảo tàng ngày càng ấm cúng, gần gũi hơn, “kéo” du khách về với Bảo tàng nhiều hơn” - nhà văn Thu Huệ khẳng định.

Cũng theo nhà văn Thu Huệ, với thời lượng 90 phút, chương trình đã đưa du khách tới gần hơn với tác giả, tác phẩm, nhân vật thông qua những hình thức trải nghiệm nhẹ nhàng, giàu cảm xúc: Tham quan vườn tượng 20 danh nhân văn học; Gánh tâm gánh tài vào cửa “Ngôi đền văn chương Việt Nam”; Không gian văn học Việt Nam thời kỳ cổ - trung đại; Chữ viết lưu truyền thơ văn như thế nào; Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên “Nam quốc sơn hà”; Bản tuyên ngôn độc lập thứ hai “Bình Ngô đại cáo”; Không gian đại thi hào Nguyễn Du và "Truyện Kiều"; Bác Hồ và tác giả thơ hay nhất về Bác; Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và những câu chuyện lay động lòng người...

Thêm nhiều sự kết nối

Nhà thơ Lữ Mai khẳng định, đây là tour du lịch thú vị, mang đến nhiều trải nghiệm và cảm xúc cho du khách. “Đây là lần đầu tiên có một tour về văn học, trong đó, hoạt động tham quan, nghe thuyết minh được kết hợp với thưởng thức hoạt cảnh, giao lưu... Du khách, đặc biệt là học sinh, sinh viên sẽ có cơ hội mở mang kiến thức. Từ tour du lịch này, có thể mở rộng sự kết nối giữa Bảo tàng Văn học Việt Nam với các địa phương, để du khách có thể từ Bảo tàng di chuyển về các miền di sản. Hoặc có thể mở rộng hoạt động ở nhiều vùng miền trong cả nước vào các dịp đặc biệt, để các giá trị văn học sẽ được đông đảo tầng lớp nhân dân tìm hiểu, cảm thụ” - nhà thơ Lữ Mai nhấn mạnh.

Đồng quan điểm đó, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du lịch Bền vững Vietnam S.T.I.D chia sẻ, ngoài những tour du lịch văn học với nhiều chủ đề khác nhau, thời gian tới, Ban tổ chức sẽ thực hiện nhiều chương trình du lịch chuyên đề hơn nữa, như kết nối với quê hương các tác giả, nhân vật, địa điểm nổi tiếng trong các tác phẩm bằng nhiều hình thức trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo. Trong tương lai, tất cả đều mong muốn tour không chỉ thu hút những người quan tâm đến bảo tàng hay làm du lịch, mà còn cả những người yêu văn chương để cùng chung tay, góp sức phát huy giá trị văn học, văn hóa đến với công chúng rộng rãi hơn.

Đoàn Mai

 

Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 16/03/2023