Với nhiều lễ hội truyền thống lâu đời đặc sắc, những điểm di tích lịch sử đẹp hoang sơ, độc đáo cần được khám phá, du lịch văn hóa tâm linh (DLVHTL) tại Đà Nẵng hoàn toàn có thể phát triển trong thời gian tới.
Lễ hội Quán Thế Âm Bồ Tát Ngũ Hành Sơn thu hút đông đảo du khách, phật tử. Ảnh: Quang Nguyễn
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, số lượng du khách có nhu cầu, sở thích về DLVHTL chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu khách du lịch. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng Huỳnh Huy Hòa cho biết: “Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng đối với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp du lịch được khảo sát đã và đang khai thác du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh. Trong đó, hình thức du lịch tâm linh chính yếu nhất là du lịch gắn với tham quan các cơ sở, không gian tâm linh, sau đó là du lịch gắn với lễ hội và phong tục tập quán. Tại Đà Nẵng khách DLVHTL chủ yếu tập trung vào cụm 3 chùa Linh Ứng, gồm chùa Linh Ứng ở Sơn Trà, chùa Linh Ứng ở Non Nước - Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng ở Bà Nà”.
Là người có kinh nghiệm rất lâu năm trong công tác quản lý và kinh doanh du lịch, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng thừa nhận, việc tạo sản phẩm du lịch mới có sức thu hút dành riêng cho ngành du lịch là một “bài toán” không dễ dàng, đặc biệt là với loại hình du lịch mới như DLVHTL. “Hạn chế có thể thấy đầu tiên là cơ sở hạ tầng, ví dụ như nhiều cơ sở tôn giáo hoặc nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng chưa được hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch, sản phẩm còn đơn điệu và chưa được quảng bá rộng rãi. Đó là điều rất thiệt thòi trong bối cảnh phải cạnh tranh với nhiều điểm đến tâm linh nổi tiếng trong và ngoài nước. Thành phố cần chú trọng đến cơ sở thiết yếu nhất để phục vụ khách du lịch, như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, chỗ dừng chân nghỉ ngơi, dịch vụ đi kèm. Đặt ra các quy định khi viếng thăm các địa điểm tâm linh giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa và sự tôn nghiêm của điểm đến, đội ngũ hướng dẫn viên cũng cần được đào tạo chuyên sâu, bài bản, để có thể truyền tải đúng các giá trị văn hóa tâm linh tại điểm đến. Phía các doanh nghiệp khai thác loại hình du lịch này cần xây dựng và khai thác các tour du lịch gắn với tham quan các địa điểm tôn giáo, tín ngưỡng”, ông Cao Trí Dũng đề xuất.
Cân nhắc giữa việc phát triển khai thác DLVHTL và việc giữ gìn di tích di sản văn hóa, Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân lưu ý về trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, làm sao để DLVHTL phát triển đúng định hướng, không biến tướng thành hoạt động mê tín dị đoan: “Đề nghị thành phố và các ngành chức năng quản lý chặt chẽ quá trình này, quán triệt các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh, các khu, điểm du lịch phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở những yếu tố tâm linh vốn có, không vì lợi ích cục bộ trước mắt mà thêu dệt, hư cấu hoặc gán ghép yếu tố thiêng cho di tích hay điểm du lịch của mình để thu lợi”, ông Tân nói.
Ngọc Hà