Phố đi bộ, nét đẹp, nét riêng... của Hà Nội
Cập nhật: 06/12/2023
Giữa một thành phố sôi động, náo nhiệt, hối hả, thì những phố đi bộ là một không gian để chúng ta chậm lại quan sát, ngắm nhìn nhịp sống của chính mình và những người chung quanh.

Ảnh minh họa

Phố đi bộ làm cho Hà Nội hôm nay gần lại hơn với Hà Nội của những năm tháng đã qua. Phố đi bộ cũng đáp ứng được nhu cầu cần được nghỉ ngơi, thư giãn của con người. Hơn thế nữa, phố đi bộ nên là một không gian văn hóa, để mỗi người đến đó có thể cảm nhận được nhiều hơn những nét đẹp trầm tích của thành phố này.

Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đi vào hoạt động đến nay đã hơn bảy năm. Chừng ấy thời gian cũng đủ để chứng minh sự cần thiết và hấp dẫn của không gian này. Dịp cuối tuần, phố đi bộ thu hút rất đông người dân trong thành phố và khách du lịch đủ mọi lứa tuổi đến đây tham quan, vui chơi, tìm hiểu, khám phá…

Đó là một không gian lý tưởng. Hồ Hoàn Kiếm phẳng lặng xanh ngắt là trung tâm, bên cạnh đó là những di tích như: Hồ Hoàn Kiếm, nơi Vua Lê Thái Tổ trả gươm cho thần Kim Quy, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Nhà hát Lớn… gắn với những sự tích, huyền thoại, sự kiện lịch sử, văn hóa của người Hà Nội nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.

Liền với không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm là khu phố cổ với những “phố hàng” đã đi vào thơ ca, nhạc, họa, cùng những kiến trúc cổ kính, những món ăn được mệnh danh ẩm thực Hà thành...

Nhưng bên cạnh việc bảo tồn thật tốt những giá trị truyền thống thì Hà Nội cũng cần phải có những cách nhìn, chiến lược phù hợp hơn để không gian phố đi bộ luôn giữ được nét đẹp vốn có.

Gần đây, không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã có những thay đổi, ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực. Rất nhiều sạp hàng bán đủ thứ đồ từ gia dụng, thời trang, ẩm thực… được dựng lên vây kín bờ hồ. Ngay từ những ngày giữa tuần, các vật liệu để dựng sạp hàng đã bày ngổn ngang trên bờ hồ, người đi thể dục buổi sáng phải đi xuống lòng đường để tránh.

Còn cuối tuần, những sạp hàng đó choán hết không gian vui chơi, thư giãn của mọi người. Âm thanh lớn từ những loa bán hàng đua nhau giới thiệu sản phẩm làm mất đi sự bình yên của một không gian văn hóa vốn có. Những nơi bán hàng nên được quy hoạch ở những khu vực khác, vì mọi người đến phố đi bộ là để được thoải mái cảm nhận không gian ấy, được tham quan các di tích, được thưởng thức những giá trị hồn cốt của Hà Nội văn hiến. Khách du lịch đến đây cũng vì những giá trị văn hóa và giải trí, chứ không đến để mua đồ hạ giá hay mua các đặc sản từ mọi vùng miền khác.

Hà Nội nên chú trọng đầu tư chiều sâu cho phố đi bộ bằng cách tạo ra những nét riêng, đặc sắc, và nhất thiết phải giữ được không khí riêng của Hà Nội xưa nay.

Hoài Phương

Ảnh minh họa

Phố đi bộ làm cho Hà Nội hôm nay gần lại hơn với Hà Nội của những năm tháng đã qua. Phố đi bộ cũng đáp ứng được nhu cầu cần được nghỉ ngơi, thư giãn của con người. Hơn thế nữa, phố đi bộ nên là một không gian văn hóa, để mỗi người đến đó có thể cảm nhận được nhiều hơn những nét đẹp trầm tích của thành phố này.

Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đi vào hoạt động đến nay đã hơn bảy năm. Chừng ấy thời gian cũng đủ để chứng minh sự cần thiết và hấp dẫn của không gian này. Dịp cuối tuần, phố đi bộ thu hút rất đông người dân trong thành phố và khách du lịch đủ mọi lứa tuổi đến đây tham quan, vui chơi, tìm hiểu, khám phá…

Đó là một không gian lý tưởng. Hồ Hoàn Kiếm phẳng lặng xanh ngắt là trung tâm, bên cạnh đó là những di tích như: Hồ Hoàn Kiếm, nơi Vua Lê Thái Tổ trả gươm cho thần Kim Quy, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Nhà hát Lớn… gắn với những sự tích, huyền thoại, sự kiện lịch sử, văn hóa của người Hà Nội nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.

Liền với không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm là khu phố cổ với những “phố hàng” đã đi vào thơ ca, nhạc, họa, cùng những kiến trúc cổ kính, những món ăn được mệnh danh ẩm thực Hà thành...

Nhưng bên cạnh việc bảo tồn thật tốt những giá trị truyền thống thì Hà Nội cũng cần phải có những cách nhìn, chiến lược phù hợp hơn để không gian phố đi bộ luôn giữ được nét đẹp vốn có.

Gần đây, không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã có những thay đổi, ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực. Rất nhiều sạp hàng bán đủ thứ đồ từ gia dụng, thời trang, ẩm thực… được dựng lên vây kín bờ hồ. Ngay từ những ngày giữa tuần, các vật liệu để dựng sạp hàng đã bày ngổn ngang trên bờ hồ, người đi thể dục buổi sáng phải đi xuống lòng đường để tránh.

Còn cuối tuần, những sạp hàng đó choán hết không gian vui chơi, thư giãn của mọi người. Âm thanh lớn từ những loa bán hàng đua nhau giới thiệu sản phẩm làm mất đi sự bình yên của một không gian văn hóa vốn có. Những nơi bán hàng nên được quy hoạch ở những khu vực khác, vì mọi người đến phố đi bộ là để được thoải mái cảm nhận không gian ấy, được tham quan các di tích, được thưởng thức những giá trị hồn cốt của Hà Nội văn hiến. Khách du lịch đến đây cũng vì những giá trị văn hóa và giải trí, chứ không đến để mua đồ hạ giá hay mua các đặc sản từ mọi vùng miền khác.

Hà Nội nên chú trọng đầu tư chiều sâu cho phố đi bộ bằng cách tạo ra những nét riêng, đặc sắc, và nhất thiết phải giữ được không khí riêng của Hà Nội xưa nay.

Hoài Phương

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 01/12/2023