Trong hành trình mở rộng và thu hút khách quốc tế từ đường tàu biển, sản phẩm du lịch vẫn được xem là yếu tố cốt lõi. Ngành du lịch tỉnh đang nỗ lực hợp tác với các đối tác để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và đưa khách lên TP. Huế du lịch, trải nghiệm.
Khách xuống tàu đi du lịch khi tàu cập cảng Chân Mây
Hợp tác giải bài toán khó
Du lịch tàu biển ở Thừa Thiên Huế được hình thành và phát triển mạnh từ sau năm 2015, khi bến số 1 cảng Chân Mây được nâng cấp và đi vào phục vụ tàu du lịch, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Royal Caribbean. Từ năm 2018 đến tháng 12/2023, cảng Chân Mây và các đơn vị liên quan đã giải quyết thủ tục cho 128 lượt tàu du lịch, với 234.957 khách du lịch và 102.744 thuyền viên đến và rời cảng từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong năm 2024, đã có 40 tàu đăng ký cập cảng, với 73.097 khách cùng 31.228 thủy thủ đoàn.
Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2024, Thừa Thiên Huế đã đón 17 chuyến tàu du lịch với hàng chục ngàn du khách và thủy thủ đoàn. Tín hiệu khởi sắc từ du lịch tàu biển đã rất rõ ràng, song điều trăn trở là làm sao để khách xuống tàu chọn các điểm du lịch của Huế để trải nghiệm. Thực tế, con số khách xuống tàu đăng ký tour di chuyển lên TP. Huế đang còn hạn chế, thường chỉ 25-30%. Quan sát tại cảng Chân Mây trong nhiều đợt đón tàu cập cảng năm 2023 và 2024, dễ nhận thấy rất nhiều khách chọn tour đi Đà Nẵng, Hội An.
Ngoài nguyên nhân về khoảng cách giữa cảng Chân Mây và TP. Huế xa, trong khi thời gian cập cảng ngắn nên khó để các đơn vị làm tour điều phối thời gian phù hợp thì câu chuyện về dịch vụ, sản phẩm hấp dẫn là vấn đề hiện hữu. Nhiều khách cho rằng, Huế còn thiếu các trung tâm mua sắm đẳng cấp; du lịch đêm ở Huế chưa sôi động, dịch vụ về đêm tại Huế còn nghèo nàn, sản phẩm du lịch chưa quá hấp dẫn. “Đi để ngắm cảnh, nhìn ngắm các điểm du lịch thì còn một sự lựa chọn khác là ngắm qua hình ảnh, video. Điều quan trọng là sản phẩm du lịch, là yếu tố trải nghiệm được gì”, một du khách nước ngoài chia sẻ.
Chính quyền địa phương đang dần tháo gỡ những điểm khó trong bài toán này, bắt đầu từ việc chủ động hợp tác với các hãng tàu để tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm giới thiệu cho du khách. Theo ông Lê Chí Phai, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Chân Mây, một tín hiệu vui năm 2024 là thông qua kết nối, làm việc với hãng tàu Chengzhen Cruise Ship, từ năm 2024 đã có thêm các chuyến tàu của hãng tàu này chở khách cập cảng Chân Mây. Số lượng đăng ký có 8 tàu DREAM của hãng tàu Chengzhen Cruise Ship cập cảng trong tháng 1 và 2/2024, mở thêm cơ hội đóng góp cho du lịch Huế.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh và Sở Du lịch vừa có chương trình làm việc với Tập đoàn tàu biển Royal Caribbean. Lãnh đạo tỉnh đã đề nghị Tập đoàn Royal Caribbean đưa cảng Chân Mây vào danh sách các điểm đến định tuyến của hãng trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đồng thời, hỗ trợ, tư vấn cho tỉnh trong việc kết nối hoạt động du lịch tàu biển với việc phát triển sản phẩm phục vụ khách du lịch tàu biển gắn với thế mạnh đặc trưng của Thừa Thiên Huế về di sản văn hóa, ẩm thực và cảnh quan; phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong việc quảng bá Thừa Thiên Huế đến với các thị trường khách du lịch tàu biển trên thế giới.
Đầu tư cho sản phẩm
Theo đánh giá của bà Wendy Yamazaki, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ, Khu vực châu Á của Tập đoàn tàu biển Royal Caribbean, tiềm năng phát triển loại hình du lịch tàu biển ở khu vực châu Á rất lớn. Tại Đông Nam Á, cùng với Thái Lan và Singapore, Việt Nam là một trong ba nơi yêu thích của du khách tàu biển quốc tế. Bên cạnh đó, với hải trình dọc bờ biển Thái Bình Dương, Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng được ghi nhận là điểm dừng chiến lược và được ưa chuộng trong các tuyến du lịch tàu biển của Royal Caribbean. Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã nỗ lực trong việc thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển, bao gồm việc đầu tư thêm cầu cảng mới và đê chắn sóng, ưu tiên cầu cảng chính khi các tàu du lịch cập bến, hoàn thiện sản phẩm và môi trường du lịch.
Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là cần tăng cường hợp tác để đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch tàu biển hấp dẫn. Sản phẩm hấp dẫn cần có bản sắc văn hóa, nhất là các không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống và cung đình, quảng diễn nghề truyền thống kết hợp trải nghiệm ẩm thực và mua sắm, phù hợp với thị hiếu của các phân khúc khách quốc tế, đặc biệt là nhóm khách gia đình và phân khúc khách chi tiêu cao, nhằm thu hút khách lên bờ và chi tiêu nhiều hơn khi đến Thừa Thiên Huế.
Dựa trên nhu cầu của khách, cần triển khai thêm nhiều giải pháp, trong đó cần mở thêm các dịch vụ trải nghiệm, không gian mua sắm… Một số tập đoàn tàu biển mong muốn tỉnh quan tâm xem xét bố trí khu vực bán hàng lưu niệm phục vụ thủy thủ đoàn tại cảng, quầy thông tin du lịch, có thêm dịch vụ xe điện trung chuyển khách từ chân cầu tàu đến khu vực bãi đỗ xe và hoàn thiện hơn công tác vệ sinh môi trường khu vực cảng khi đón tàu du lịch.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Thừa Thiên Huế đang mở ra nhiều cơ chế, kêu gọi đầu tư. Sắp tới, khi Trung tâm thương mại AEON MALL Huế đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu mua sắm tại các trung tâm mua sắm đẳng cấp của khách. Đối với ngành du lịch, sở và các đơn vị liên quan, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang hợp lực nghiên cứu, đầu tư, hoàn thiện thêm sản phẩm mà khách du lịch tàu biển quan tâm, từ đó tạo sức hút.
Bài, ảnh: Hữu Phúc