Còn hơn 1 tháng nữa kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 mới bắt đầu. Tuy nhiên do máy bay sau “hiệu ứng” tăng giá trần vừa qua, mà tour du lịch đường bộ lên ngôi.
Khởi động mùa du lịch kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 bằng các tour đường bộ. Ảnh minh họa: TH
Du khách “né” máy bay
Lên kế hoạch cho dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, gia đình chị Kim Chi, Hoài Đức, Hà Nội đã khảo sát giá vé máy bay đi du lịch Nha Trang cả tháng nay, nhưng đến giờ vẫn chưa chốt được do giá vé tăng cao.
Chị Kim Chi cho biết, mức rẻ nhất, với giờ bay muộn cũng khoảng 3 triệu đồng/vé khứ hồi. Còn vé vào giờ đẹp, ngày cuối tuần là hơn 8 triệu đồng/vé. Thực tế cho thấy, thời điểm này không chỉ vé máy bay Hà Nội - Nha Trang tăng giá, mà hầu hết đường bay tới các khu du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn, Huế... cũng trong tình trạng tương tự. Do đó, chị Chi đang dự định chuyển sang du lịch bằng đường bộ, đi xe ô tô riêng để cùng gia đình trải nghiệm cung đường cao tốc thuận tiện ở cả miền Bắc và miền Nam.
Cũng không riêng gì gia đình chị Chi, mà còn nhiều gia đình khác, dịp nghỉ dưỡng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay đã phải tính toán cân nhắc. Bởi, thực tế trong năm 2023 và đầu năm 2024, kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm sút, việc giá vé máy bay tăng cao trong dịp nghỉ lễ đã khiến nhiều người băn khoăn, cân nhắc lựa chọn phương tiện phù hợp và giá rẻ.
Anh Trần Huy, người con xứ Nghệ đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ, từ Hà Nội về Vinh ngày thường nếu bay chuyến Vietnam Airlines giá vé xấp xỉ 1 triệu đồng/chiều. Tuy nhiên, ngày lễ 30/4 - 1/5 hiện nay cũng đã tăng lên 1,5 triệu đồng/chiều. Gia đình đông người về quê thì lại càng đắt đỏ. Do đó, anh quyết định sẽ đi ô tô cá nhân đưa cả nhà về quê.
Theo khảo sát trên kênh bán vé máy bay trực tuyến của một số hãng hàng không cho thấy, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, với một số chặng bay có nhu cầu cao như Hà Nội - Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, giá vé ở mức cao, cá biệt có thể lên đến 3 - 5 triệu.
Giá vé đắt nhất vẫn là các chuyến bay từ Hà Nội đi Phú Quốc, khi trung bình lên tới 4,5 - 5,4 triệu đồng/vé khứ hồi. Thậm chí, chiều đi trên chuyến bay của Vietnam Airlines đang hiển thị giá vé hạng thương gia lên tới 13 triệu đồng, đắt hơn cả đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2024 khi vé từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội trên 10 triệu đồng/chặng. Như vậy, giá vé máy bay đang cao chót vót, tăng tới vài triệu đồng so với ngày thường.
Chặng Hà Nội - Quy Nhơn là một trong những chặng có mức tăng cao nhất trong số các chặng du lịch chính. Giá vé máy bay khứ hồi được khảo sát giai đoạn 27/4 - 30/4 ở thời điểm trước một tháng có giá 5 triệu đồng.
Với chặng Hà Nội đi Đà Nẵng thời điểm 27 - 30/4, mức giá tốt nhất tìm được trong ngày 23/3 là 4,7 triệu đồng khứ hồi, cao gấp 1,6 lần so với một tuần sau đó.
Với hành trình Hà Nội - Đà Lạt giá vé máy bay ngày 27/04, hãng hàng không VietJet Air cung cấp các chuyến bay với mức giá từ 2,7 - 3,9 triệu đồng/vé khứ hồi trong khi Vietnam Airlines là 3,8 - 13,07 triệu đồng/ vé.
Theo lý giải của các hãng hàng không, dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ cao. Giai đoạn cao điểm như hè hay dịp lễ 30/4, nhu cầu đi lại tăng đột biến, trong khi nguồn cung của các hãng có hạn, dẫn đến giá vé bị đẩy lên cao.
Mặt khác, việc điều chỉnh tăng giá trần vé máy bay nội địa là điều kiện để các hãng hàng không bù đắp chi phí và cơ hội để điều chỉnh dải giá vé bay trong mạng đường bay nội địa. Hiện nay, chi phí đầu vào của các hãng hàng không đã có nhiều thay đổi, nhất là giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không cũng hướng đến bảo đảm hài hòa lợi ích của hành khách, hãng hàng không và chính sách của Nhà nước.
Tour đường bộ lên ngôi
Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã bán 85% công suất, tương đương hơn 100.000 du khách đã chốt, số còn lại chủ yếu sẽ bổ sung vào tour đường bộ.
Những tour đường bộ đang có sức tăng và rất nóng. Các chuyên gia du lịch nhận định, khách giờ chuyển hướng chọn hình thức combo thay tour truyền thống vì rất nhiều gia đình có xe riêng, dễ dàng trải nghiệm những cung đường cao tốc thuận tiện ở cả miền Bắc và miền Nam. Họ có thể sử dụng dịch vụ combo để tạo sản phẩm du lịch cho cá nhân, gia đình khi mà mùa nghỉ lễ 30/4 năm nay các nhóm gia đình có xu hướng thuê nguyên homestay gần nhà.
Theo khảo sát, homestay khu vực ngoại ô Hà Nội, Ninh Bình hay Nam Định được đánh giá ổn định (khoảng 500 nghìn đồng/người/đêm). Dịp 30/4 mức giá này có thể tăng khoảng 20% nhưng vẫn được nhận định 'quá rẻ' khi di chuyển đường bộ vốn đã ít tốn kém.
Khu vực miền Bắc ghi nhận lượng khách đặt phòng tăng cao ở Cát Bà, Vân Đồn, Quảng Ninh, Sầm Sơn, Sa Pa. Trong khi đó, tại miền Nam, Mũi Né và Vũng Tàu là những điểm đến nhận được nhiều quan tâm.
Mùa du lịch năm nay, Cửa Lò, Nghệ An dự báo du khách về nhiều khi khu Vinpearl Cửa Hội đi vào hoạt động, bên cạnh đó, cao tốc Bắc - Nam đã thông xe. Dự tính du khách đi phương tiện ô tô từ các trung tâm lớn về với Nghệ An sẽ rất khả thi. Các điểm du lịch khác của Nghệ An cũng thuận lợi hơn khi giao thông đã mở mang với cầu Hưng Đức thông xe, cầu vượt đường N5 trên cao tốc thông lên các huyện miền Tây...
Ngược lại, người dân Nghệ An và các tỉnh miền Trung có nhu cầu du lịch ra các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Hoà Bình, Hà Nội… cũng đã trở nên dễ dàng hơn khi có thể đi bằng ô tô trên tuyến cao tốc, vừa chủ động thời gian, tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng tạo ra cơ hội phát triển du lịch tại các tỉnh, thành này.
Đại diện các đơn vị lữ hành nhận định kỳ nghỉ 30/4 chỉ là “bước đệm” cho kỳ nghỉ hè dài ngày, vì thế khách thường sẽ chọn nghỉ ngắn cuối tuần để cắt giảm chi phí hoặc xuất ngoại đường gần. Do vậy, các hãng hàng không Việt Nam chủ động phối hợp với các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong công tác xây dựng các chương trình, kế hoạch khai thác đến các địa phương, các quốc gia trọng điểm về du lịch. Qua đó nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa và quốc tế.
Thái Hải