Ngay từ đầu năm, du lịch Việt Nam đã đón nhiều đoàn khách quốc tế “xông đất” qua đường thủy, hứa hẹn loại hình du lịch này sẽ phát triển trong thời gian tới.
Ngày 2/1/2010, Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đón 500 khách đến từ Anh, Mỹ, Nhật, Đức… nhiều du khách tỏ ra thích thú và ấn tượng khi ghé thăm mảnh đất này. Ngày 12/1/2010, tàu biển 5 sao Costa Classica chở 2.000 du khách và thuyền viên chủ yếu mang quốc tịch Italy, Tây Ban Nha, Anh, Đức, đã cập cảng Navi Oil, thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây, ngày 21/1/2010 và 24/1/2010, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist lần lượt đón 2 đoàn khách tàu biển quốc tế cao cấp của Anh: Tàu Voyages of Discovery với 900 khách cùng thuyền viên và tàu Spirit of Adventure với 800 khách cùng thuyền viên (chủ yếu mang quốc tịch Anh) đến Việt Nam theo hành trình xuyên Việt (Hạ Long - Đà Nẵng - Nha Trang - TP.HCM).
Theo ông Lê Quang Thắng - Trưởng phòng Du lịch tàu biển & Đại lý hàng hải của Saigontourist, đây là hai tàu mới đầu tiên cập cảng Việt Nam trong đầu năm 2010, bên cạnh tàu biển 5 sao Costa Classica đến Việt Nam định tuyến 2 tuần/1 chuyến. Đối tượng khách hàng của hai tàu biển này chủ yếu là những người có thu nhập cao, sử dụng các dịch vụ cao cấp và các tour du lịch khám phá độc đáo. Dự kiến, trong tháng 1/2010, Saigontourist đón khoảng 6.000 khách tàu biển châu Âu (đa số mang quốc tịch Ý, Tây Ban Nha, Anh và Đức). Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, dự kiến quý I/2010, sẽ có 19 chuyến tàu du lịch biển tới Đà Nẵng, với 11.650 du khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2009.
Với hơn 3.260 km đường biển, Việt Nam có nhiều bãi biển, vịnh đẹp được vinh danh trên thế giới, có lợi thế khai thác du lịch. Việc liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, các cơ quan tổ chức quốc tế có lợi thế về tổ chức du lịch tàu biển như Singapore hay một số nước Bắc Âu đang có nghiên cứu đầu tư vào hạ tầng cơ sở du lịch biển của Việt Nam là điều kiện tốt để phát triển loại hình du lịch này.
Ngoài ra, chất lượng dịch vụ đón khách tàu biển của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang dần được cải thiện. Hiện nay, ở Việt Nam, các công ty du lịch có bộ phận làm dịch vụ khách tàu biển không nhiều, nhưng khả năng tổ chức của các công ty này rất chuyên nghiệp. Đứng đầu là hai Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist và Tân Hồng thường đón khách của các tàu từ Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Nam Á. Kế đó là nhóm sáu công ty du lịch ở Quảng Ninh cùng chia sẻ lượng khách Trung Quốc tham quan miền Bắc theo hai tuyến tàu Bắc Hải - Hạ Long và Hải Nam - Hạ Long. Một số doanh nghiệp ở miền Trung nhận lại khách từ Saigontourist hoặc Tân Hồng khi tàu du lịch ghé các cảng Quy Nhơn, Chân Mây, Cửa Việt (Quảng Trị).
Được biết, với chiến lược phát triển du lịch tàu biển, tháng 12/2009, Công ty lữ hành Saigontourist cùng 16 công ty du lịch quốc tế khác đã thành lập Liên minh các nhà cung cấp dịch vụ du lịch tàu biển khu vực châu Á (ACSN). Mục đích chính của ACSN là tiếp thị và quảng bá du lịch tàu biển châu Á đến các hãng du lịch tàu biển trên thế giới, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, sản phẩm và dịch vụ du lịch tàu biển, tiêu chuẩn hóa chất lượng dịch vụ, mở rộng và phát triển thị trường du lịch tàu biển và các dịch vụ liên quan đến ngành du lịch tàu biển tại châu Á. Ông Vũ Duy Vũ, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist, cho biết: “Việc tham gia ACSN sẽ tạo cơ hội lớn để Saigontourist quảng bá mạnh hơn điểm đến Việt Nam, tiếp cận nhiều hãng du lịch tàu biển, qua đó thu hút khách tàu biển đến Việt Nam, góp phần phát triển mạnh hơn nữa loại hình du lịch tàu biển còn rất nhiều tiềm năng này”.