Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.
Du khách thưởng thức Ẩm thực ở phố đi bộ Chu Văn An - Võ Thị Sáu. Ảnh: Bảo Phước
Dịch vụ du lịch luôn được tỉnh định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác trọn vẹn lợi thế đặc trưng về di sản và tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong thực tế, không chỉ doanh nghiệp mà rất đông người dân đã và đang mưu sinh dựa vào khách du lịch. Những hình ảnh các chú xích lô nhờ du lịch mà khấm khá; chị bán khoai, bắp nướng dọn gánh hàng lúc 5 giờ sáng tại đường Trương Định; một đại gia đình tham gia bán cơm hến, bèo nậm lọc tại phố ẩm thực chợ Đông Ba… và rất nhiều hình ảnh khác đã cho thấy du lịch thực sự có đóng góp ý nghĩa thiết thực vào đời sống người dân Huế.
Một thực tế dễ nhận ra là lượng khách du lịch đến với Huế ngày một tăng, khách du lịch tấp nập trên khu phố Tây, Đại Nội mang lại hy vọng nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân nơi đây. Ở khía cạnh khác, tỉnh chưa tìm ra giải pháp cho việc nâng cao khả năng chi tiêu của khách, kéo dài thời gian lưu trú, chất lượng và sản phẩm dịch vụ du lịch chưa phát triển kịp với xu hướng nhu cầu của khách du lịch. Đây là những rào cản để du lịch Huế trở thành ngành kinh tế có đóng góp lớn cho địa phương.
Tôi từng làm trong ngành du lịch vài năm, chuyên phục vụ ẩm thực cho đối tượng khách đoàn du lịch trong và ngoài nước. Cũng như các nhà hàng chuyên nghiệp khác, chúng tôi phục vụ thực đơn hơn 10 món ăn với giá cả cạnh tranh, trao đổi liên tục với hướng dẫn viên để nắm rõ yêu cầu của khách Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu… để xây dựng thực đơn phù hợp từng đối tượng. Vậy mà, những sai sót trong phục vụ như nấu hơi cay cho khách Hà Nội, thực phẩm chưa được tươi sẽ nhận phản ánh tiêu cực của khách hàng, thậm chí tẩy chay, không thanh toán… vẫn diễn ra. Làm du lịch không chỉ lo cạnh tranh với đối thủ, còn phải chạy theo thị hiếu của khách hàng, lo cả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nên doanh nghiệp ẩm thực tồn tại hơn 10 năm như chúng tôi là thành quả của sự kiên trì, bền bỉ.
Từ câu chuyện quá khứ để ngẫm đến hiện tại là thực trạng khu phố ẩm thực chợ Đông Ba. Một ý tưởng về quảng bá ẩm thực Huế và tạo không gian kinh doanh tử tế hơn cho các hộ dân. Du khách tham quan, mua sắm các đặc sản trong chợ Đông Ba, sau đó nghỉ chân thưởng thức ẩm thực tại khu phố là một trải nghiệm thú vị, đầy sức hút. Lượng khách lớn tham quan chợ cũng chính là lợi thế lớn nhất của sự thành công của khu phố ẩm thực.
Thực tế, món ăn ở đây đậm chất “Huế” từ món cơm hến, bún bò, bánh bèo nậm lọc, chè đều rất ngon. Lượng khách ăn uống cũng khá đông nhưng chưa đồng đều mỗi ngày, đa số là người dân địa phương, một số khách du lịch ít ỏi. Chúng tôi thấy khách du lịch châu Âu đứng nhìn các quán khá lâu, có lẽ vì chưa hiểu tiếng Việt nên phải nhìn khâu chế biến cho biết món ăn, và ở đây cũng thiếu người có khả năng ngoại ngữ để hướng dẫn cho khách. Quán xá ở đây đậm chất đường phố Huế với bàn ghế nhựa, ngồi thấp. Chén bát cũng bằng nhựa cho thuận tiện. Khu vực vệ sinh công cộng chưa có bảng hướng dẫn. Một số điều này đang đi ngược với xu hướng nhu cầu tiêu dùng du lịch thế giới, đặc biệt là du khách châu Âu.
Năm vừa qua, tại các tỉnh nổi tiếng về du lịch, không ít trường hợp ngộ độc thực phẩm cho hàng trăm người đã xảy ra, ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch địa phương, mà còn thể hiện việc làm thiếu cái tâm hoặc thiếu kiến thức của chúng ta. Khu phố ẩm thực chợ Đông Ba là một ý tưởng hay, và mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Đông Ba là một điểm du lịch có tính lịch sử, biểu tượng thành phố Huế nên cần thiết để Đông Ba là điểm du lịch chuyên nghiệp, điểm nhấn cho cả thành phố. Với kinh nghiệm thực tiễn làm du lịch vài năm, tôi góp một số ý kiến nhỏ để khu phố ẩm thực được tốt đẹp hơn, người dân buôn bán khấm khá thêm, khách du lịch được chăm sóc tốt hơn.
Thứ nhất, khu phố ẩm thực cần có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa rủi ro thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Thứ hai, xây dựng một mô hình quán sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường để giáo dục và hướng dẫn người dân loại bỏ dần bao bì và đồ nhựa, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Hiện nay, nhiều công ty du lịch đã nói không với các tour có sử dụng đồ nhựa. Thứ ba, cần hỗ trợ người dân về giao tiếp ngoại ngữ. Đầu tiên là hỗ trợ xây dựng thực đơn, giới thiệu thành phần món ăn bằng tiếng anh, một số giao tiếp cơ bản liên quan đến món ăn như hỏi du khách về cay hay không cay, khách có dùng được gia vị nặng mùi không. Chúng ta hoàn toàn có thể tránh tình huống khách bỏ món ăn vì quá cay vốn đặc trưng của món Huế, mang lại sự hài lòng hơn cho khách hàng.
Nguyễn Đoàn Quốc Anh