Indonesia đã đón lượng du khách cao mức kỷ lục kể từ sau đại dịch Covid-19, trong lúc chính phủ nước này tìm cách mở rộng, đa dạng hóa đầu tư vào ngành du lịch.
Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho biết trong 4 tháng đầu năm nay, Indonesia đã đón gần 4,1 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, mức cao nhất cùng giai đoạn trong vòng 4 năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Nguồn khách đông nhất là du khách đến từ Malaysia, tiếp đến là du khách Australia, Trung Quốc và Singapore.
Du khách nước ngoài chủ yếu nhập cảnh Indonesia thông qua sân bay quốc tế Ngurah Rai ở đảo du lịch Bali. Thời gian lưu trú trung bình tại Indonesia của du khách nước ngoài là hơn 11 đêm. Trong thời gian này, trung bình mỗi du khách tiêu khoảng 1.429 USD, chủ yếu cho nơi ở, thực phẩm và đồ uống.
Một trong những yếu tố thúc đẩy lượng du khách đến Indonesia là số đường bay, mật độ các chuyến bay tới các điểm du lịch nổi tiếng ở Indonesia ngày càng tăng. Indonesia hiện được ghi nhận là điểm đến du lịch thân thiện với Hồi giáo nhất thế giới, cũng như là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.
Indonesia đón lượng du khách cao kỷ lục trong vòng 4 năm qua.
Tuy vậy, phát biểu tại Diễn đàn đầu tư du lịch quốc tế ở Jakarta gần đây, Bộ trưởng Bộ Du lịch Indonesia, ông Sandiaga Uno, cho rằng Indonesia đang đầu tư dưới mức cần thiết cho ngành du lịch. Năm ngoái, Indonesia đã ghi nhận trên 3 tỷ USD đầu tư vào du lịch, song trên thực tế có tới 80% đầu tư đổ vào nhà hàng, khách sạn, quán cà-phê…
Bộ trưởng Du lịch Indonesia cho rằng nước này cần đa dạng, đầu tư nhiều hơn để phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các sản phẩm du lịch bền vững, du lịch dựa vào cộng đồng… Theo đó, Indonesia cần thêm khoảng 15-20 tỷ USD đầu tư du lịch bền vững. Bộ trưởng Bộ Du lịch Indonesia bày tỏ lạc quan rằng Indonesia có thể thu hút được khoản đầu tư du lịch gấp 3 lần so với hiện nay.
Thời gian qua, chính quyền Indonesia khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, đồng thời tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài vào 5 điểm đến du lịch “siêu ưu tiên” của nước này, cũng như các đặc khu kinh tế mới về du lịch và sáng tạo ở nhiều tỉnh thành như: Banten, Bali, Lombok, Belitung, Bogor… Riêng với dự án xây dựng Thủ đô mới Nusantara của Indonesia, đến nay các nhà đầu tư đã cam kết đầu tư hơn 340 triệu USD vào ngành du lịch và kinh tế sáng tạo.
Võ Giang