Ngày 1/8, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tập huấn: “Nâng cao năng lực quản lý di sản văn hóa năm 2024”.
Chợ Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 188 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích. Trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia và 128 di tích cấp thành phố. Bên cạnh đó có 6 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh là Ca trù và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Công tác bảo tồn, trùng tu các di tích luôn được thành phố chú trọng, nhiều di tích đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, do áp lực của quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa nên việc cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển đang là bài toán khó đối với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Các nhà xưởng có tuổi thọ trăm năm tuổi dọc kênh Tàu Hũ-Bến Nghé, di tích lịch sử Ba son, Thương Xá Tắc… đã bị tháo dỡ để nhường đất xây dựng các công trình giao thông, nhà ở. Nhiều công trình mới đã và đang xây dựng ở khu vực trung tâm đã gây tác động và phá vỡ cấu trúc cảnh quan đô thị nói chung và không gian nhiều công trình cổ nói riêng.
Theo ông Nguyễn Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, di sản văn hóa có vai trò rất quan trọng. Chỉ nhìn vào danh sách những di tích lịch sử văn hóa, chúng ta có thể nhận biết quá trình hình thành, phát triển, những thăng trầm của một đô thị có giá trị lịch sử hơn 300 năm.
Do vậy, song song với quá trình, kiểm kê, xếp hạng, gìn giữ, tu bổ nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tích cực tiến hành số hóa các di tích; đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động để di tích trở thành điểm đến thường xuyên của cộng đồng, đẩy mạnh liên kết các điểm di tích với nhau; ứng dụng rộng rãi công nghệ để giới thiệu di tích; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp cận và hiểu biết nhiều hơn về di tích trên địa bàn thành phố…
Diễm Quỳnh