Một số khu du lịch tại Thành phố Hồ Chi Minh cũng như các tỉnh thành trên cả nước đang từng bước thay thế xe chạy xăng, dầu bằng các loại xe điện. Đây cũng là xu hướng vận chuyển xanh trong tương lai, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, môi trường sống…
Chạy êm, không khói bụi…
Đầu tháng 8, cả gia đình anh Nguyễn Văn Thông (ngụ tại Bình Dương) vui vẻ trải nghiệm không gian xanh tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, quận 11, TPHCM bằng xe điện. “Xe chạy êm ru, không khói bụi, các con tôi rất thích”, anh Thông nói.
Theo ước tính của khu vui chơi này, mỗi ngày có khoảng 4.000 lượt khách, cao điểm lên tới trên 10.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Nơi đây có khoảng 5 ô tô nhỏ và 2 đoàn xe cổ tích (3 chiếc xe/đoàn) chuyên chở khách tham quan trong khuôn viên công viên. Mỗi xe có sức chứa 8-10 người. Hành khách có nhu cầu đi xe điện có thể lựa chọn mua từng loại vé phù hợp, giá từ 50.000 - 300.000 đồng tùy vào cung đường di chuyển và số lượng khách trên mỗi chuyến xe.
Khách tham quan Công viên Văn hóa Đầm Sen bằng xe điện. Ảnh: Mang Thị Viên
Tương tự Đầm Sen, nhiều khu vui chơi khác như Công viên Văn hóa Suối Tiên (TP Thủ Đức, TPHCM), TP Du lịch Sơn Tiên (Đồng Nai)… cũng đều trang bị hàng chục xe điện đời mới để thuận tiện phục vụ du khách. Đại diện các đơn vị này cho hay, không gian vui chơi rộng lớn hàng chục hécta, đa dạng hoạt động như tham quan vườn thú, trải nghiệm khu trò chơi cảm giác mạnh… Lượng du khách lên tới hàng triệu lượt mỗi năm, nên việc đầu tư các phương tiện tham quan hiện đại, thân thiện môi trường là điều mà Suối Tiên, Sơn Tiên… đang hướng đến.
Tuy vậy, trên thực tế, không phải nơi nào cũng kịp thời đầu tư xe điện để khai thác hiệu quả dòng khách du lịch ngày càng đông khi đến với TPHCM. Điển hình, ngay tại trung tâm quận 1, Thảo Cầm viên Sài Gòn vẫn còn những chiếc xe chạy xăng, dầu ọc ạch, xịt khói đen khiến du khách e ngại. Được biết, trước dịch Covid-19, cả Thảo Cầm viên có 2 chiếc xe điện loại nhỏ, sức chứa khoảng 8 khách, nhưng nay số xe này đã… “đắp chiếu”, còn lại là dòng xe đầu kéo chạy xăng, dầu.
“Hai hôm trước, vợ chồng tôi đưa con đi chơi. Đang lững thững đi bộ, khói đen từ xe chở khách phả thẳng vào mũi khiến chúng tôi hắt hơi liên tục. Người lớn thì không sao chứ đối với trẻ con thật đáng ngại”, anh Nguyễn Quang Toàn, ngụ tại huyện Bình Chánh (TPHCM) cho biết.
Xa hơn, đến với Phú Quốc, Tây Ninh, Ninh Bình, các khu du lịch của Vingroup, Sungroup, sân golf Tràng An… đều có sự đầu tư cho dòng xe điện đưa đón khách tham quan, vui chơi, với số lượng từ vài chục chiếc lên tới hàng trăm chiếc. Xe chạy rất êm, không hôi mùi xăng, dầu, không xả khói bụi, giúp du khách tận hưởng trọn vẹn khoảng thời gian nghỉ dưỡng cùng người thân, bạn bè. Thậm chí, một số khu du lịch được xem là vùng sâu, vùng xa của cả nước như Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau), cũng trang bị động cơ điện cho các vỏ lãi thay vì động cơ chạy bằng xăng, dầu nhằm bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe cho du khách.
Đầu tư mới, phát triển “xe xanh”
Cách nay vài tháng, Thảo Cầm viên Sài Gòn có quyết định phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu dự toán mua sắm ô tô phục cho hoạt động kinh doanh của đơn vị, với gói thầu trị giá hơn 1 tỷ đồng. Thông tin chúng tôi được biết, trong số ô tô mua mới có cả xe điện phục vụ khách tham quan Thảo Cầm viên Sài Gòn. Theo bà Huỳnh Thu Thảo, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn, việc trang bị xe mới nhằm nỗ lực xanh hóa các phương tiện đưa đón khách, gia tăng trải nghiệm và hút khách trong và ngoài nước đến với nơi đây.
Ở góc độ cơ quan chuyên môn, ông Trần Ngọc Đông Quân, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành Sở Du lịch TPHCM, nhìn nhận, việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu của xã hội, và ngành du lịch không nằm ngoài xu hướng này. Hiện nay, các loại hình phương tiện vận chuyển công cộng chạy bằng năng lượng điện, năng lượng xanh phục vụ việc đi lại của người dân, du khách đang là xu thế mới góp phần tăng tính hấp dẫn, đa dạng hóa dịch vụ, thu hút và đáp ứng tốt nhu cầu khách du lịch đến thành phố. Theo đó, Sở Du lịch ủng hộ và khuyến khích phát triển các dịch vụ vận chuyển sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh, thân thiện với môi trường.
Trước mắt, Sở Du lịch TPHCM hỗ trợ kết nối phát triển các loại hình vận chuyển xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sạch đến rộng rãi các đơn vị lữ hành để xây dựng tour, tuyến; kết nối các điểm tham quan trong lộ trình vận chuyển thí điểm. Ngoài ra, Sở Du lịch khuyến khích đưa các loại hình vận chuyển trên vào các hoạt động của ngành du lịch như Tuần lễ Du lịch, Lễ hội sông nước, Hội chợ Du lịch quốc tế ITE 2024...
“Thời gian tới, Sở Du lịch tiếp tục liên kết, phối hợp các đơn vị có ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng sạch góp phần mang đến trải nghiệm du lịch tiện lợi cho du khách, đóng góp vào việc giảm tác động tiêu cực đến môi trường”, ông Trần Ngọc Đông Quân nói.
Hỗ trợ về chính sách, nguồn vốn
Ở các nước như Singapore, Hà Lan, Thụy Điển…, chính phủ có chính sách hỗ trợ rất tốt cho việc phát triển các loại hình vận tải công cộng chạy bằng điện như: hỗ trợ về hạ tầng, cảnh quan, môi trường, chính sách… Ở nước ta, nhiều khu du lịch tại các tỉnh, thành phố đã từng bước chuyển đổi, đầu tư nhiều hơn cho xe điện phục vụ du khách. Rõ ràng, hướng đi này thực sự tích cực, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy vậy, trong quá trình chuyển đổi cần có sự chung tay, hỗ trợ của nhà nước về cơ chế chính sách, nguồn vốn… Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM.
Thi Hồng - Hải Ngọc